Trong môi trường hang đá tự nhiên, độ ẩm bình quân trên 80%. Nhiệt độ trung bình mùa đông 10 – 150C, mùa hè 18 – 200C nên đây là điều kiện lý tưởng cho cây nấm sinh trưởng và phát triển. Ông Vương - PGĐ Trung tâm cho biết: “ Theo lý thuyết thì được khoảng 3- 4 tạ nấm sò/tấn rơm, nhưng hiện chúng tôi vẫn chưa đạt yêu cầu, chỉ đạt 2,5-2,7 tấn. Tuy nhiên đây là giai đoạn thử nghiệm. Hiện tại chúng tôi mới làm 25 tấn rơm chia làm 2 đợt. Sản lượng nấm sò thu được 4 tấn xuất về Hà Nội”. Mỗi chu kỳ ủ rơm tạo cơ chất trồng nấm sò kéo dài 2,5 tháng. Giai đoạn gieo trồng và thu hoạch dài trong 2 tháng với nhiều lứa gối nhau. Trong đợt sản xuất thứ hai, 14 tấn cơ chất (rơm) được bố trí thành từng luống có tổng diện tích 560 m2 trên nền hang. Tính bình quân nấm sò cho thu hoạch từ 40 – 50 kg/ngày, vào giai đoạn mọc rộ có thể thu hoạch từ 110 – 120 kg nấm/ngày. Do có nhiều đặc điểm khác biệt với nấm trồng trong môi trường nhân tạo, khác biệt dễ nhận thấy là loại nấm này to, giòn, ngọt hơn và đặc biệt là không có mùi rơm. Chính vì lẽ đó mà với giá xuất bán khá cao 35 nghìn đồng/kg (gấp 2 – 3 lần giá nấm ở các nơi khác) nhưng thị trường Hà Nội vẫn chấp nhận và có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Ông Nông Ngọc Tăng - PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Lạng Sơn bộc bạch: “ Việc trồng nấm ở đây thành công có thể mở ra triển vọng cho nghề trồng nấm ở Lạng Sơn. Hiện nay thị trường trong nước còn thiếu, nhưng nếu nhu cầu trong nước đủ rồi thì chúng ta có thể dùng nấm này muối và xuất khẩu sang các nước Đông Âu mang lại giá trị kinh tế rất cao. Rơm là phụ phẩm, ngoài phục vụ chăn nuôi trâu bò thì chúng ta có thể thông qua việc chế biến này tạo ra giá trị kinh tế lớn. Đây chính là nguồn thu đáng kể góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người nông dân thông qua nghề trồng nấm”. Theo các nhà khoa học, sản lượng phụ phẩm nông nghiệp có mức tương đương với sản lượng lương thực. Như vậy với hơn 174 nghìn tấn lương thực như năm qua thì bà con nông dân Lạng Sơn cũng có ngần ấy tấn phụ phẩm nông nghiệp. Đặc biệt theo tập quán ở Lạng Sơn và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, rơm vụ đông xuân không sử dụng cho chăn nuôi mà thường bỏ hoặc đem đốt ngay trên đồng ruộng rất lãng phí. Từ nhiều năm nay, người nông dân Lạng Sơn cũng đã phát triển nghề nuôi trồng nấm theo quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, số mô hình này còn chưa nhiều, phát triển rải rác tại các huyện và thành phố trong tỉnh.
Hiện Trung tâm nuôi trồng, sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu đang tiến hành xử lý cơ chất (mùn cưa) để trồng thêm loại nấm linh chi – loại nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao. Kế hoạch của Trung tâm sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật trồng nấm cho bà con nông dân trong vùng phát triển nghề trồng nấm, tận dụng nguồn lực lao động và nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu sản xuất ra Trung tâm này sẽ thu mua bao tiêu cho nông dân. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng trong hoạt động chuyển đổi cơ cấu ngành nghề sản xuất trong khu vực nông thôn của tỉnh Lạng Sơn.