Làng cây cảnh
Được đăng : 03/11/2016
Cứ vào dịp cuối năm, thị trường cây cảnh ở Hà Tây, Hà Nội lại trở nên nhộn nhịp. Trên tất cả các ngõ ngách, phố phường và mọi xóm làng, đều có những người lắc lư trên chiếc xe đạp thồ “cút kít” rong ruổi rao bán các loại cây cảnh. Đại bộ phận những người chở cây cảnh đến với mọi nhà đều là người ở làng Vân Lũng, xã An Khánh (Hoài Đức).
Khởi nghiệp từ một tạ thóc
Về làng Vân Lũng vào dịp gần cuối năm, nhìn từ xa, những căn biệt thự khang trang, những ngôi nhà gác cao tầng to đẹp dường như đã xóa nhòa đi vẻ đơn sơ, mộc mạc của một làng quê Bắc bộ. Những con đường làng quanh co, khúc khuỷu được lát bằng gạch phẳng phiu, cùng với những cảnh bề thế là những bức tường rêu phong vẫn tạo cảm giác cổ kính, thâm nghiêm của làng cây cảnh Vân Lũng. Có một điều dễ nhận thấy trong các gia đình ở đây, dù chỉ có một khoảng sân, mảnh vườn nhỏ, nhưng cũng đều được người dân tận dụng để trưng bày các loại cây cảnh trông thật bắt mắt.
Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Vũ Năng, vợ là Nguyễn Thị Tuyên. Đôi vợ chồng này đều sinh năm 1969, hồ hởi đón tiếp chúng tôi: “Cơ ngơi này có được là nhờ vào cây cảnh đấy chú ạ! Nếu không sớm bước vào nghề này thì đến giờ cuộc sống của gia đình tôi cũng chưa biết sẽ như thế nào!”. “Bà con bảo, vợ chồng anh là người đầu tiên đưa cây cảnh vào làng”? Anh Năng kể, đầu năm 1990, một lần anh mang mành cửa (quê anh vốn có nghề truyền thống làm mành cửa) lên làng Nghi Tàm (Tây Hồ) để bán, tình cờ gặp anh Thắng. Câu chuyện giữa người mua, kẻ bán về nghề nghiệp, cuộc sống đã nhanh chóng kéo hai người đàn ông xa lạ xích lại gần nhau như mối duyên kỳ ngộ để anh Năng thay đổi cuộc sống sau này. Biết anh Năng đi bán mành cửa vất vả mà mỗi ngày chỉ kiếm được 10 ngàn đồng, anh Thắng đã khuyên chuyển nghề sang buôn cây cảnh. Vốn liếng cũng chẳng cần nhiều, chỉ vài trăm nghìn là đủ. Thoạt nghe, anh Năng thấy có gì đó cứ là lạ, bởi xưa nay xã anh chưa có ai đi buôn, đi bán cái loại hàng hóa này! Nhưng càng nghĩ càng thấy hay, bởi một khi xã hội càng phát triển thì nghề này lại càng có “cơ” ăn nên làm ra. Về nhà anh Năng bàn với vợ chuyển nghề. Anh bán một tạ thóc, được 120 nghìn đồng làm vốn. Hồi ấy, cứ ngày ngày anh thức dậy từ 2-3 giờ sáng, một mình lóc cóc đạp xe hơn 25km lên Quảng Bá, Nhật Tân, Nghi Tàm (Hà Nội) mua cây rồi cho lên xe thồ đi bán rong khắp 36 phố phường ở Hà Nội. Hôm nào ế hàng thì một, hai chuyến, hôm nào đắt khách thì năm, bảy lần đi lấy cây cảnh. Bình quân mỗi ngày cũng kiếm được trên 30 nghìn đồng. Nhẩm tính trung bình mỗi ngày anh Năng thường phải đạp xe đến gần trăm cây số, so với đi bán mành, công việc này cũng chẳng nhẹ nhàng hơn, nhưng bù lại lợi nhuận thu về thì gấp vài lần, vợ anh có ý đòi đi theo để tăng thêm thu nhập. Hiện nay, vợ chồng anh Năng là một trong số ít những ông chủ buôn cây “tầm cỡ”, chuyên thực hiện những hợp đồng cung cấp cây cảnh, cây bóng mát cho thị trường Hà Nội, Hà Tây với mức bình quân vài chục triệu đồng. Thậm chí, có chuyến lên đến hàng trăm triệu đồng. Vợ chồng Năng - Tuyên cũng vừa hoàn thiện xong ngôi nhà 3 tầng với diện tích 150m2 có trị giá 400 triệu đồng.
Cả làng... kinh doanh cây cảnh
Anh Nhiên, là một trong tốp 5 người đi buôn cây cảnh tâm sự: Những năm chưa có đường Láng - Hòa Lạc, người Vân Lũng đi chợ cây phải đi vòng rất xa, ra Hà Đông, xuống Ngã Tư Sở, qua Ô Chợ Dừa, rồi mới đến được Tây Hồ. Đôi chân tuy mỏi, song so với làm ruộng, phần thu nhập có thể gấp 5-7 lần, còn so với nghề làm mành cũng phải gấp 2-3 lần.
Vào thời điểm năm 2000 trở về trước, mặt hàng các loại cây trang trí như: Trúc nhật, dừa cảnh, hoa giấy, thiết mộc lan... được thị trường tiêu thụ rất mạnh, đa số các loại cây này đều được lấy từ các làng Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Tứ Liên và các xã khác ven Hà Nội. Do vậy, giá rất bình dân, dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Người làng Vân Lũng cũng không phải đi xa để tìm kiếm cây. Mấy năm gần đây, các loại cây trang trí không còn chiếm được thế “thượng phong”, nhường vị trí đó cho các nhóm cây như: Lộc vừng, tùng côi, sanh, đa... hơn nữa, thị trường cung cấp cây cảnh cũng bắt đầu nở rộ. Để đáp ứng nhu cầu dân chơi cây, người Vân Lũng lại phải tỏa đi khắp nơi để săn lùng “cây độc”, cây quý. Giá cả các loại cây này rất cao, cây mèng mèng ít tiền cũng có giá vài ba triệu đồng, còn “cây độc” thì lên tới vài chục triệu đồng. Anh Nhiên cho biết, cách đây ít hôm, anh vừa “xuất” một cây sanh giá 80 triệu đồng cho một tay buôn ở Hà Nội.
Còn một loại đối tượng buôn cây (chủ yếu là đào, quất) khác nữa ở làng Vân Lũng, họ là những người buôn cây thời vụ. Cứ vào khoảng ngày 15 tháng Chạp hàng năm trở đi, người Vân Lũng lại đổ xô ra Hà Nội buôn đào, quất phục vụ cho những ngày Tết cổ truyền. Những ngày này có đến hơn 80% dân số trong làng đi buôn cây. Họ lên các vườn đào, quất ở Tây Hồ mua trực tiếp của các chủ vườn từ trước, rồi đến ngày là dùng xe thồ chở đi bán rong khắp các ngõ ngách, phố phường. Anh Hùng, một thợ buôn cây thời vụ cho biết: “ Năm nào đào, quất đẹp, hàng bán chạy, trong vòng khoảng nửa tháng, mỗi người bán rong cũng kiếm được từ 1-2 triệu đồng cho một cái tết. Nếu gặp năm thời tiết không thuận, giá cây rẻ cũng không sợ lỗ. Bởi lẽ, bán rẻ thì mua cũng rẻ. Chỉ có người trồng mới đáng lo”.
Ông Bùi Văn Bình, Trưởng thôn Vân Lũng cho biết: “Cả làng hiện có 7 xóm, với 580 hộ, 2.600 khẩu. Số người đi buôn cây chuyên nghiệp của làng chiếm 60% và chiếm khoảng trên 70% tổng thu nhập. Chính từ khi có thêm nghề buôn cây cảnh mà đã đưa Vân Lũng từ một thôn nghèo nhất trong xã, đến nay trở thành thôn có kinh tế khá nhất. Hiện cả thôn chỉ còn 30 hộ nghèo theo tiêu chí mới (chiếm 1,8%), nhưng đã có 200 hộ có nhà cao tầng và nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, đây được coi là kết quả đáng mừng trong bước đầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương”.