00:00 Số lượt truy cập: 2662170

Làng triệu phú 

Được đăng : 03/11/2016


Hiện nay, 80% số hộ ở làng Gia được công nhận SXKD giỏi. Tổng giá trị sản phẩm người dân trong làng sản xuất chiếm hơn 58% tổng thu ngân sách của xã.

Nghề phụ thu tiền tỷ

Làng Gia có 54ha đất nông nghiệp. Nếu như trước đây, mọi người tranh nhau nhận đất, cố gắng để được chân ruộng gần, màu mỡ thì mấy năm gần đây, ND sẵn sàng cho thuê ruộng, hoặc khoán cho người khác làm. Anh Dương Quang Hùng -một "cựu" ND cho biết: "Bây giờ, thu nhập từ làm chăn bông tới 800.000-900.000 đồng/người/tháng. Trong khi đó làm ruộng vất vả quanh năm nhưng thu nhập chẳng đáng là bao".

Cũng như bao người ở làng Gia, anh Hùng cũng một thời cọc cạch xe đạp, lặn lội khắp các đường làng, ngõ xóm để bật bông thuê và bán lõi chăn bông. Tuy nhiên, khi  các sản phẩm chăn ga, gối đệm của Trung Quốc tràn ngập thị trường, mẫu mã đẹp, giá rẻ thì lõi chăn của nhà anh và của hàng trăm hộ ở làng Gia rơi vào bế tắc. Chăn làm ra xếp đống một góc vì không bán được. Không chấp nhận cảnh cả làng... thất nghiệp, anh Hùng đã đi tìm hiểu, nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, tìm thị trường, đối tác làm ăn. Anh là người đầu tiên trong làng dám bỏ ra hơn 200 triệu đồng để nhập dây chuyền may chăn của Hàn Quốc. Chỉ cần một người đứng máy, mỗi ngày hệ thống này cũng "cho ra lò" gần 100 sản phẩm. Anh cho hay: "Sản phẩm của chúng tôi mẫu mã không thua kém gì chăn ga của Trung Quốc hay Hàn Quốc, giá cả lại rẻ hơn rất nhiều. Một bộ chăn hơi của chúng tôi giá chỉ 200.000 đồng, trong khi của Hàn Quốc tới hơn 300.000 đồng".

Mẫu mã đẹp, giá cạnh tranh, các sản phẩm chăn, ga của anh Hùng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Năm 2004, anh Hùng thành lập công ty chuyên sản xuất, bán chăn, ga, gối với doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

Học cách làm của anh Hùng, hàng loạt các hộ ở làng Gia đã vay vốn ngân hàng để mua máy móc, thuê nhân công. Trong làng xuất hiện một số các đại gia lớn như: Công ty Hải Yến của anh Hùng; xưởng sản xuất, đánh bông vải của anh Thành, anh Dũng... Những đại gia này còn trực tiếp đi ký hợp đồng mua vải vụn của các nhà máy, công ty dệt lớn về sơ chế và bán lại cho các hộ làm chăn trong làng. Trung bình mỗi tháng, làng Gia thu gom từ 40 - 50 tấn nguyên liệu phế thải từ các nhà máy. Mỗi xưởng sơ chế cũng thu hút 20 - 30 lao động với lương gần 1 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Khắc Đỗ - Chủ tịch Hội ND xã Yên Đồng cho biết: Thôn Gia có tới 20 cơ sở chế biến bông và sản xuất chăn thành phẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2006, doanh thu của thôn đạt gần 3 tỷ đồng.

Nông dân đi ô tô

Để tăng thêm sức cạnh tranh với hàng ngoại, đồng thời giảm chi phí vận chuyển hàng hoá, nhiều hộ ở làng Gia đã nghĩ ra cách đưa máy móc đi các tỉnh để sản xuất trực tiếp; xây dựng đội ngũ phân phối hàng tại các huyện. Theo lời ông Đỗ, bắt đầu vào vụ làm chăn (đầu tháng 8 âm lịch), người trong làng tản đi các tỉnh để đặt máy. Hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung nơi nào cũng có đại lý  bán chăn, ga của người làng Gia. "Cả làng hiện nay có hơn 20 ô tô chuyên chở máy móc, vật liệu, chăn, ga thành phẩm. Bất cứ khi nào khách hàng gọi là người làng Gia có mặt".

Người dân làng Gia vừa nhận được tin mừng, Sở Công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức đoàn thẩm định để xét công nhận làng nghề truyền thống cho làng Gia. UBND xã Yên Đồng cũng quyết định quy hoạch dành 9ha đất để xây dựng làng nghề tập trung, đồng thời đầu tư hàng trăm triệu đồng mở rộng đường giao thông, xây  hệ thống điện, nước cho phát triển làng nghề. Về phía Hội ND, ông Đỗ khẳng định: "Chúng tôi sẵn sàng đứng ra tín chấp cho ND vay vốn để mở rộng sản xuất. Hơn một năm qua, Hội đã tín chấp cho bà con vay gần 2 tỷ đồng từ các nguồn vốn, đồng thời phối hợp với các ngành tổ chức các lớp khuyến công, nâng cao tay nghề cho người lao động trong làng. Mục tiêu 95% số hộ trong làng đạt danh hiệu SXKD giỏi. Làng Gia sẽ trở thành làng triệu phú không chỉ quy mô cấp tỉnh mà phải ở cấp T.Ư".