00:00 Số lượt truy cập: 3227670

Lao đao địa lan Đà Lạt 

Được đăng : 03/11/2016
Những ngày cận Tết này, hàng loạt vườn hoa địa lan ở Đà Lạt - Lâm Đồng cứ thế nhũn gốc, thối rễ rồi chết đã làm cho không ít nhà vườn lao đao. Không ít nhà vườn trở nên trắng tay hoặc rơi vào tình cảnh nợ nần vì vốn liếng cả năm dồn vào "nghiệp lan" đã đồng loạt "đội nón ra đi".

Lan chết hàng loạt

Ông Cao Quảng Phú ở khu An Sơn, phường 3, Đà Lạt là một trong những người khá nổi tiếng về kinh doanh hoa địa lan. Giọng ông đau đớn đứt quãng: "Hơn 20.000 chậu lan này tôi đầu tư cả bạc tỉ vào đây chứ ít gì. Cứ nghĩ năm nay thu cũng được vài trăm triệu, nào ngờ...".

Theo ông cho biết thì từ hơn hai tháng trước, vườn lan nhà ông bắt đầu xuất hiện hiện tượng nhũn gốc, thối rễ... Ông đã xử lý bằng cách huỷ tất cả những chậu hoa có hiện tượng thối gốc. Nhưng, càng huỷ, chúng càng lây lan.

Lúc đầu chỉ vài chậu - huỷ; bệnh lây ra vài mươi chậu - lại huỷ; vẫn không hết, bệnh tiếp tục "nhảy" sang những chậu khác...". Và cuối cùng, vườn lan trên 20.000 chậu giá trị bạc tỉ của ông đến những ngày cận Tết này, phần đã nhổ bỏ, phần còn lại chỉ trơ gốc.

Cẩn thận hơn trước "đại dịch" trên hoa lan, ông Nguyễn Văn Căn ở phường 5 - Đà Lạt đã thuê hẳn hai kỹ sư chuyên ngành về tận nhà để nghiên cứu và chữa bệnh nhưng cuối cùng, hai vị kỹ sư này đành phải tuyên bố "bó tay"! Và cũng như ông Phú, vườn lan dự định thu trên dưới 500 triệu đồng vào dịp Tết này của ông Căn cũng chỉ trơ lại mấy cái gốc thối.

Chẳng lẽ bất lực?

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng thì căn bệnh nói trên được gọi tên chính xác là "bệnh thối giả hành (củ)". Bệnh này không phải mới xuất hiện ở Đà Lạt mà từ lâu nó đã hiện diện nhưng ở mức độ thấp nên không mấy người trồng lan chú ý phòng, chống.

Ông Lại Thế Hưng - cán bộ chuyên môn của chi cục, cho rằng: "Đây là một loại bệnh rất nguy hiểm với cây địa lan, có tốc độ lây lan nhanh; và vườn lan nào đã nhiễm bệnh thì ổ bệnh hầu như luôn túc trực trong vườn, khó xử lý dứt điểm".

Trong khi đó, theo tài liệu nghiên cứu của một nhà khoa học thuộc Đại học Nông lâm TPHCM thì tác nhân gây bệnh chính trên cây hoa địa lan Đà Lạt gồm ít nhất 7 loại nấm, 3 loài vi khuẩn và 2 loài virus...

Cũng từ tài liệu này, xin tham khảo một vài con số để... giật mình: Ở Đà Lạt, 80,4% số vườn địa lan sử dụng nguồn giống từ cây cấy mô thì có 57,2% số vườn bị nhiễm bệnh thối giả củ hành; 14% số vườn mua giống trồng sẵn có đến 82,5% số vườn nhiễm bệnh; và 5,6% số vườn còn lại dùng giống từ chiết tách thì 72,5% số vườn bị nhiễm bệnh.

Ông Lại Thế Hưng (Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng) cho rằng: Hầu hết nhà vườn "chơi" lan ở Đà Lạt không phân biệt được triệu chứng bệnh và tác nhân gây bệnh trên cây lan trong vườn nhà mình, và biện pháp phòng bệnh và chữa bệnh của họ cũng không mang lại hiệu quả cao, vì chủ yếu chỉ dựa theo kinh nghiệm (không "bắt" đúng bệnh).