00:00 Số lượt truy cập: 3232614

Lao đao với hạn ''bà Chằng'' 

Được đăng : 03/11/2016

Giữa mùa mưa mà vựa lúa Ea Súp của Đắk Lắk phải chịu khát vì khô hạn, hàng ngàn ha lúa và hoa màu bị mất trắng.


 

Lúa cháy vàng

"Mọi năm vào tháng 7, nước trôi băng đồng, lũ về cuồn cuộn. Vậy mà năm nay, bói không ra nước để cứu vài gốc lúa "làm thuốc", cả nhà tôi đói là cầm chắc" - ông Phan Văn Hài, ở thôn 5, xã Ea Rốk, nói nghẹn ngào trong khi tay bứt một nắm lúa cháy khô. Hai năm nay, gia đình ông Hài liên tục thất bát. Năm ngoái, cả 8 ha lúa mùa của nhà ông bị lũ cuốn trôi, cả nhà trông chờ vào vụ này để gỡ gạc nhưng lại xem như trắng tay. Ông nói cay đắng: "Mất cả chì lẫn chài mấy chú ạ. Hơn 40 triệu đồng tiền đầu tư phân bón, giống má đổ vào đồng lúa này, nếu được mùa thì thu đến 30 tấn, giờ chỉ mong thu được vài tạ để làm giống mà thôi".

Giữa trưa nắng chang chang, cánh đồng hơn 500 ha lúa một vụ của Ea Rốk vàng cháy một màu nhức mắt. Gần một tháng qua, nắng như thiêu đốt cả vùng lòng chảo các xã dọc biên giới của Ea Súp. Cạnh Ea Rốk là xã Ia R'wê cũng "chạy trời không khỏi nắng". Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Ia R'wê, cho biết: xã này "suýt giàu" với 6.000 ha điều cao sản, nhưng khổ nỗi cây điều trồng đến kỳ kinh doanh lại không cho trái, nên người dân quay sang cây lúa cạn và hoa màu. Thế nhưng, đợt hạn mà dân gian gọi là hạn "bà Chằng" này đã làm gần 1.000 ha lúa của Ia R'wê mất trắng. Nhiều hộ phải vào rừng tìm kiếm các loại lâm thổ sản để sống qua ngày.

"Rốn lũ" khô khốc

Ea Súp là nơi thấp nhất của Đắk Lắk, mùa mưa bao giờ cũng được xem là "rốn lũ", hứng nước từ các vùng xung quanh tràn về. Bình quân các năm đến thời điểm này, lượng mưa trên địa bàn Ea Súp đã đạt từ 1.500 - 1.600 mm, thế nhưng năm nay chỉ mới đạt 225 mm. Ông Nguyễn Đình Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ea Súp, nhận xét: "Đây là năm có đợt hạn tai quái nhất trong nhiều năm nay, nắng kéo dài và gay gắt trong nhiều ngày liền. Toàn huyện đã có hơn 3.000 ha lúa (chiềm gần 50%), 1.000 ha bắp lai, 200 ha đậu xanh bị mất trắng, khả năng mất tiếp nếu hạn còn kéo dài...". 

Điều nghịch lý là trên địa bàn Ea Súp có hai công trình thủy lợi lớn là Ea Súp thượng và Ea Súp hạ mà vẫn không đủ nước tưới. Đặc biệt, Ea Súp thượng có năng lực thiết kế tưới hơn 9.000 ha, nhưng cả hai công trình này mới chỉ tưới diện tích khoảng 1.700 ha. Nguyên nhân là do hệ thống kênh mương các công trình thủy lợi này chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Nước vẫn treo đầu nguồn, cuối nguồn những đồng lúa vẫn chịu khát. Còn ở xã ở Ea Rốk, một dự án thủy lợi lớn đã được "vẽ" từ vài năm nay vẫn nằm trên giấy, hơn 1.300 ha lúa vẫn phải gồng mình chịu hạn hằng năm. 

Vụ hè thu của Ea Súp xem như đã bỏ đi với thực tế không đạt kế hoạch phấn đấu 70.000 tấn lương thực. Hiện tại, huyện đang chỉ đạo các xã chuẩn bị sản xuất vụ thu đông để bù lại phần nào và cũng triển khai chống lũ sau đợt hạn quái ác này.