00:00 Số lượt truy cập: 3231616

Lao động làm muối 

Được đăng : 03/11/2016
Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy, Nam Ðịnh) đã có nhiều đổi thay nhờ phát triển một số ngành nghề mới như du lịch, dịch vụ. Ðồng thời, người dân vẫn tiếp tục duy trì hai nghề truyền thống là đánh bắt hải sản và làm muối để giữ kế sinh nhai. Diêm dân ở đây đang lao động như thế nào và họ mong muốn điều gì?

"Hạt ngọc" của biển

Về Quất Lâm chúng tôi cùng bác Phạm Văn Hảo, kiểm soát viên Hợp tác xã Hòa Bình ra thăm cánh đồng muối. Ðang giữa mùa vụ nhưng người làm việc trên các thửa ruộng chủ yếu là các bà, các chị và các ông tuổi trung niên hoặc là những em nhỏ, có cả những cụ cao tuổi đang gắng sức đẩy chiếc trang nặng cát dồn vào một hàng.

Chúng tôi khá ngạc nhiên vì nghề muối lâu nay vẫn được coi là nghề nặng nhọc, chỉ phù hợp  những lao động khỏe mạnh, vậy mà ở đây tất cả sự nặng nhọc ấy dường như đang dồn lên đôi vai phụ nữ và những người ở tuổi làm ông trở lên.

Ðem điều này hỏi bác Hảo, chúng tôi nghe câu trả lời kém vui nhưng rất thật: "Làm muối cực nhọc vất vả lắm mà thu nhập lại thấp. Năm nay giá muối hơi cao một chút, người dân còn phấn khởi làm, chứ giá muối như năm ngoái thì diêm dân bỏ đồng hết. Bám vào mấy sào ruộng muối và chỉ làm mấy tháng nắng thì lấy gì mà ăn. Cho nên, những người trẻ khỏe thường đi làm ăn xa, hoặc đi làm thợ xây, thợ mộc cũng kiếm được mấy chục nghìn đồng một ngày, công việc đỡ vất vả hơn, lại ổn định chứ không phụ thuộc vào ông trời như làm muối. Anh nào có đầu óc kinh doanh và có ít vốn thì đi buôn bán, làm dịch vụ du lịch. Bọn trẻ thì cố học để thoát khỏi cái trang, cái bặt (dụng cụ làm muối). Thành thử bây giờ  toàn người cao tuổi và phụ nữ, hoặc những người vướng bận công tác ở địa phương không đi đâu được là còn gắn bó với nghề muối thôi".

Chúng tôi  chuyện trò với ông Trần Văn Ðệ ở xóm Lâm Chính, cả hai ông bà đều đã ngoài 70 tuổi nhưng còn khá mạnh khỏe và đang làm hơn hai sào muối. Con của ông bà đã lập gia đình riêng, nhưng không ai theo nghiệp của bố mẹ ở nhà làm muối mà đều đi làm ăn xa. Ông cho chúng tôi xem cuốn sổ "nhật ký" làm muối trong đó ghi tỉ mỉ từng tháng có bao nhiêu ngày nắng, mỗi ngày ông bà làm việc gì. Ông bảo "Phải ghi thế còn biết mà tính xem mình làm có năng suất ra sao và rút kinh nghiệm về quy trình kỹ thuật như cát có đạt tiêu chuẩn không, rồi lấy nước làm sao cho mặn...". Có lẽ ông là một trong số ít người còn thiết tha và trăn trở với nghề làm ra từng hạt muối trắng.

Theo cuốn sổ ông ghi thì năm 2007 với diện tích là 2,2 sào, hai ông bà thu được 5 triệu 295 nghìn đồng, nếu lấy số tiền thu được (đã trừ chi phí) chia cho tổng số ngày trong năm thì bình quân mỗi ngày ông bà làm ra 12 nghìn đồng. Với mức thu nhập như thế, chi bữa ăn hằng ngày còn chưa đủ, lấy đâu ra tiền để lo nhiều khoản tiền phát sinh khác.

Vì thế, ngoài nghề chính, ông còn phải làm nghề phụ như đan rổ rá hoặc đóng khung xe cút-kít (dụng cụ dùng chở cát đổ vào chạt) để bán cho người làng, người xã; bà thì chăm con lợn, con gà và trồng một số loại hoa màu kiếm thêm thu nhập. Ông bảo: Không có thu nhập ngoài làm muối chắc đói... Tận mắt chứng kiến quang cảnh lao động dưới trời nắng chang chang và nhìn những gò muối đang nổi dần trên những ô nề, chúng tôi hiểu thêm về công sức của diêm dân kết tinh trong từng hạt muối.

Nỗi lo không tên

Càng chuyện trò với  diêm dân, chúng tôi càng biết thêm nhiều nỗi niềm của người làm ra hạt muối trắng. Bà Ðệ lúc này đã đúc xong cái chạt góp chuyện với chúng tôi: "Hôm nay, trời nắng làm có vất vả thật đấy nhưng cầm chắc sẽ có tiền bán muối, chứ ngày nào mà trời không nắng thì vất vả lắm. Có những hôm vừa dọn được mâm cơm ra chưa kịp ăn trời nổi giông gió phải bỏ đấy chạy đi cứu mà vẫn mất cát. Về đến nhà thì chó, mèo ăn hết sạch thức ăn".

Chúng tôi hỏi nếu bị mất cát thì phải làm thế nào? Bà Ðệ giải thích: " Phải đem nạo ra để nạo cát dưới ruộng lên để hôm sau làm tiếp. Nhưng lượng cát nạo lên không được như trước vì  bị nước mưa làm  nhạt đi và một lượng bị trôi xuống các con kênh gần đó".

Ông Ðệ thêm vào: "Nghề muối cũng bị phụ thuộc lắm, trời thương thì được ăn, trời không thương thì đành chịu".  Lúc ngồi nghỉ giải lao, chúng tôi được nghe một chị làm ở ruộng bên cạnh nói chuyện với ông bà Ðệ: "Hôm qua muối ở đồng ngoài đã lên 23 nghìn đồng/ca (dụng cụ đong muối chứa khoảng từ 25 đến 27 kg) rồi đấy bác ạ, thế mà ở đồng mình mới chỉ có 20 nghìn đồng thôi. Không biết hôm nay có tăng giá không?".

Ông Ðệ có vẻ là người chăm xem thời sự bảo: "Ở ngoài mình muối còn rẻ chứ truyền hình đưa tin ở miền trong muối bán tại đồng là 1.400-1.500 đồng/kg (35.000 - 38.000 đồng/ca) đấy, thế mà ở mình mới 800-900 đồng/kg đã gọi là đắt rồi".

Thật ra, nghề làm muối không chỉ bị lệ thuộc vào ông trời mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa và còn không ít nỗi lo khó gọi thành tên. Năm nay, giá muối chính vụ dao động từ 20 đến 23 nghìn đồng/ca. Giá muối lên xuống thất thường, nay giá này, mai giá khác, phụ thuộc vào thương nhân mua muối. Vào thời kỳ khan muối, thương nhân đẩy giá lên cao để cạnh tranh, nhưng cũng có lúc các chủ kho " bắt tay" nhau dìm giá xuống thì diêm dân cũng đành chịu. Ca dùng để đong muối cũng không có một kích cỡ chuẩn, to nhỏ khác nhau tùy từng kho, ca to chứa được khoảng 27 kg muối, còn ca vừa thì chứa được 25 kg. Mặt khác, không phải cứ giá muối lên là diêm dân được hưởng hết.

Cô Phạm Thị Ðào ở xóm Lâm Tân, cho biết: "Năm nay nói là muối được giá nhưng cũng chẳng ăn thua, vì làm được đồng nào dân mình lại phải đem đong gạo ăn. Mấy năm trước  giá muối  thấp nhưng gạo lại rẻ, bán một ca muối đong được hai kg gạo, bây giờ muối đắt thì gạo lại cao, một ca cũng chỉ đong được bằng lúc trước thôi"...

Suy nghĩ từ đồng muối

Chúng tôi đến thăm nhà ông bà Ðệ vào một buổi chiều. Sáng nay trời mưa nên ông bà nghỉ làm muối. Chúng tôi đưa câu chuyện nước ta chuẩn bị nhập khẩu 2.000 tấn muối để bàn luận. Ông Ðệ "bình luận" ngay tắp lự: "Lại nhập muối thế này, mai mốt muối lại hạ giá thì dân mình khốn khổ. Sao mấy ông không để tiền đó mà đầu tư cho sản xuất muối thì có phải hơn không?".

Nghe ông nói thế, chúng tôi đặt giả thiết: Cứ tình hình này kéo dài liệu có khi nào dân mình bỏ hẳn đồng muối không? Ông Ðệ trả lời giọng quả quyết: Không bao giờ có chuyện đó vì hạt muối là hạt ngọc của biển, nghề muối đã có tự bao đời nay rồi nó đã là một phần cuộc sống của người dân nơi đây bỏ làm sao được.

Bây giờ, cuộc sống khó khăn cho nên một số người bỏ đồng đi làm ăn kinh tế, chứ sau này xã hội phát triển, bọn trẻ sẽ trở về làm muối, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, năng suất ắt sẽ cao, công việc lại đỡ vất vả thì nghề muối sẽ phát triển và có sức thu hút...

Ở vùng biển Giao Thủy rất nhiều người có chung tâm sự cũng như niềm khát khao mãnh liệt như ông lão diêm dân. Nước ta có hơn 3.000 km bờ biển, có lẽ ít ai nghĩ tới việc sẽ thiếu muối ăn trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng làm sao để có nhiều muối sạch, hàm lượng cao phục vụ sản xuất công nghiệp thì cần các nhà khoa học giúp diêm dân để đồng muối nước ta đáp ứng nhu cầu này.

Giá muối năm nay cao hơn so với năm ngoái, nhưng ở một số địa phương diêm dân vẫn không mặn mà với nghề muối, nhiều diện tích đồng muối bị bỏ hoang. Không phải diêm dân quay lưng với nghề muối mà chính vì làm muối cực nhọc mà vẫn chưa đủ ăn. Nếu có thêm cơ chế, chính sách khuyến khích nghề muối,  quy hoạch và tổ chức lại sản xuất cho phù hợp... thì nước ta không chỉ đủ mà còn sớm trở thành nước xuất khẩu muối...