00:00 Số lượt truy cập: 2671170

Liên kết bao tiêu nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân: Xác định rõ, thực hiện đúng trách nhiệm mỗi bên 

Được đăng : 03/11/2016
Trong 5 năm gần đây nông nghiệp Hải Phòng có bước phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá. Nhiều sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được thị trường đón nhận. Tuy nhiên, nông sản vẫn chủ yếu lưu thông nhỏ, lẻ qua thương lái hoặc tự tiêu thụ, việc liên kết giữa doanh nghiệp (DN) với nông dân trong bao tiêu sản phẩm còn lỏng lẻo, số DN tham gia bao tiêu nông sản còn ít.


Các doanh nghiệp và ngành chức năng khảo sát quy trình trồng dưa Kim hoàng hậu ở xã Tân Hưng (Vĩnh Bảo).

Thiếu liên kết, nông sản vẫn bí đầu ra

Vụ hè năm nay, nông dân xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo hối hả thu hoạch giống dưa Kim Hoàng hậu ruột vàng với chất lượng quả ngon… Là địa phương đi đầu trồng giống dưa này, hiện toàn xã Tân Hưng có gần 100 ha ruộng chuyển đổi canh tác sang trồng giống dưa Kim Hoàng hậu. Bởi hợp thổ nhưỡng địa phương, chất lượng quả ngon, tạo hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, vào kỳ thu hoạch, nông dân Tân Hưng cũng chỉ bán dưa Kim Hoàng hậu thông qua cánh thương lái, số ít len chân được vào các siêu thị của thành phố. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hưng, do không gặp được DN liên kết tiêu thụ, giá bán dưa trên thị trường khá bấp bênh. Đầu vụ, nông dân bán được giá 17 - 18 nghìn đồng/kg. Vào thời điểm thu hoạch chính vụ, giá dưa giảm mạnh, có lúc còn 8 – 10 nghìn đồng/kg, song sức tiêu thụ chậm.

Đó cũng là tình trạng chung đối với nhiều loại nông sản tại Hải Phòng, Anh Nguyễn Sỹ Chiến, hộ nuôi gà ở xã Đặng Cương (An Dương) cho biết, có lúc sức mua của người tiêu dùng hạ thị trường ế ẩm, tư thương ép giá quá thấp, nên các trang trại nuôi gà không bán được sản phẩm, gà để quá lứa xuất chuồng, có trang trại thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ở các vùng nuôi thủy sản nước ngọt với các loại cá truyền thống tại An Lão, Kiến Thụy, An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, phần lớn nông dân xuất bán sản phẩm hàng ngày cho các chợ dân sinh trong và ngoài thành phố.

Thời gian qua, mặc dù việc phối hợp “liên kết giữa 4 nhà” đã được cải thiện so với trước, nhưng số doanh nghiệp tích cực tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn ít. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp-PTNT, toàn thành phố mới có hơn 20 doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân với số lượng hạn chế, khiến nông sản tiêu thụ bấp bênh trên thị trường.

Cần sự gặp nhau giữa doanh nghiệp và nông dân

Theo đại diện quản lý các DN siêu thị lớn ở Hải Phòng như Metro, Coop. Mart, Big. C, Intimex..., doanh nghiệp mong muốn hợp tác cùng nông dân ổn định, lâu dài. Với hệ thống quản lý chất lượng của các siêu thị, đòi hỏi sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn VIETGAPH và có giấy chứng nhận sản xuất an toàn. Ông Nguyễn Văn Xiển, Giám đốc Công ty CP thực phẩm Bình Minh chia sẻ, với công suất của nhà máy có thể liên kết tiêu thụ sản phẩm chế biến của doanh nghiệp cho nông dân thuận lợi. Tuy nhiên, nông sản của nông dân cung ứng cho DN không ổn định về số lượng, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà máy vào từng thời vụ, ý thức sản xuất của nông dân theo hợp đồng mang nông sản bán ra thị trường khi được giá cao hơn, đặt DN vào tình thế khó khăn một khi đã ký kết với bạn hàng.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Hải Phòng Đào Thị Hà đánh giá, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của ngành Nông nghiệp-PTNT theo hướng hiện đại hóa và bền vững. Thực tế, khi liên kết với các DN thu mua nông sản, bà con nông dân sẽ có lợi bởi ổn định giá, đầu ra cũng yên tâm hơn. Thời gian tới, phải xóa bỏ được những rào cản giữa DN và người sản xuất, để cùng hướng tới mục tiêu liên kết bền vững, chặt chẽ. Đặc biệt giữa người sản xuất và doanh nghiệp cần xác định rõ hơn và thực hiện đúng trách nhiệm mỗi bên để phát triển mối liên kết cùng có lợi này.

Phó trưởng Phòng Tư vấn và giới thiệu sản phẩm Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hải Phòng Lê Minh Hoàng cho biết, hiện nay có một số DN trong và ngoài thành phố mong muốn thu mua nông sản Hải Phòng, liên kết hình thành các chuỗi sản xuất - tiêu thụ khép kín. Vì vậy, nông dân tổ chức sản xuất nông nghiệp cần bảo đảm đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên các mặt hàng sản xuất quanh năm, sản phẩm trái vụ, đáp ứng yêu cầu DN. Các quy trình sản xuất an toàn cần được chú trọng tuân thủ, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cần nông dân được tập huấn khoa học kỹ thuật, bảo đảm an toàn vệ sinh, ý thức hợp tác sản xuất nông sản hàng hóa theo quy mô lớn. Về phía DN, có biện pháp hỗ trợ nông dân trong đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, ý thức sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật để bảo đảm sản phẩm đạt yêu cầu DN. Đồng thời, doanh nghiệp khảo sát, đánh giá thực trạng các vùng sản xuất của nông dân, từ đó bảo đảm ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định, lâu dài với mức giá hai bên cùng có lợi. Đối với các doanh nghiệp thực hiện liên kết bao tiêu nông sản, thành phố có cơ chế chính sách, khuyến khích, hỗ trợ DN vào cuộc mặn mà hơn.

Theo Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, diện tích sản xuất nông nghiệp có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm khoảng 800 - 1000ha; sản lượng nông sản có hợp đồng bao tiêu sản phẩm trên địa bàn Hải Phòng đạt 3000 – 3500 tấn/năm, chiếm 7% - 8% tổng sản lượng của các vùng sản xuất tập trung.

Hải An