00:00 Số lượt truy cập: 2679047

Liên kết khai thác hải sản hiệu quả ở Ðà Nẵng 

Được đăng : 03/11/2016
Từ năm 2005 đến nay, TP Ðà Nẵng thành lập 88 tổ, đội khai thác hải sản, với gần 600 tàu cá cùng liên kết khai thác và giúp nhau khi gặp nạn. Ðà Nẵng đã tạo bước đột phá về tổ chức sản xuất trên biển theo hướng vừa bảo đảm an toàn tính mạng của ngư dân, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phạm Bá Năm, ngư dân phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) vẫn chưa thể quên những mất mát, đau thương do bão số 1 (năm 2006) gây ra đối với ngư dân Ðà Nẵng. Ông kể, hơn 20 năm theo nghề biển, chưa bao giờ ông chứng kiến tổn thất lớn như bão số 1 gây ra. Có lúc tôi tự hỏi, phải chăng biển đã "bạc" với người hay con người đã làm biển "nổi giận"?

Nhiều năm qua, không chỉ ở Ðà Nẵng mà cả ở các tỉnh miền trung, ngư dân khai thác quá cạn kiệt nguồn lợi hải sản ven bờ. Bởi vậy, muốn tồn tại với nghề biển, chỉ còn cách vươn khơi. Trước khi rời đất liền, ông Năm và những ngư dân khác đều cầu mong chuyến biển thuận buồm, xuôi gió, tàu về cá nặng đầy khoang.

Nhận thấy sự cần thiết phải liên kết với nhau để đủ sức vươn khơi khai thác hải sản, ông Năm và bốn chủ tàu khác thành lập tổ khai thác hải sản số 1 vào ngày 3-2-2005. Tổ này có năm tàu cá xa bờ, với công suất máy từ 110 đến 165 CV/tàu, thu hút 55 lao động, hoạt động theo nguyên tắc: cùng nghề (nghề lưới cản), cùng chí hướng (tham gia tự nguyện). Ông Năm cho biết thêm, trước khi thành lập tổ, các tàu chủ yếu tự tìm và giữ bí mật ngư trường khai thác. Cho nên, hiệu quả chuyến biển rất phập phù, khi gặp tai nạn trên biển thì rất khó khăn cho việc cứu hộ, cứu nạn. Chính vì thế, khi vào tổ, các thành viên phải có nhiệm vụ giúp đỡ nhau về kỹ thuật, ngư trường khai thác và cứu hộ kịp thời khi gặp tai nạn trên biển.

Năm 2005, doanh thu của các chuyến biển tăng 10-15% so năm trước; thu nhập bình quân của người lao động trên tàu đạt 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2006, doanh thu của tổ đạt hơn 3,3 tỷ đồng, mức lãi ròng gần 1,25 tỷ đồng. Khi thấy tổ hoạt động có hiệu quả, nhiều chủ tàu khác cũng muốn xin vào tổ. Nhưng năm 2006, chúng tôi chỉ nhận thêm một tàu, nâng số tàu của tổ lên sáu chiếc.

Ông Ba Mạnh, thành viên khác của tổ khai thác số 1, phường Thọ Quang, cho biết: "Vừa rồi, tàu của tôi bị mất 20 tấm lưới (trị giá 20 triệu đồng). Anh em trong tổ đã kịp thời giúp 10 triệu đồng để sắm lại số lưới đã mất. Nhờ vậy, tàu của tôi ra khơi kịp thời, khai thác có hiệu quả".

Năm 2006, tổ tạo quỹ hỗ trợ rủi ro được hơn 45 triệu đồng và đã hỗ trợ bảy lần tàu bị mất lưới, năm lần sửa chữa máy tàu bị hỏng khi đang khai thác trên biển.

Trong những năm gần đây, nghề cá ở phường Thanh Khê Ðông, quận Thanh Khê rất phát triển, nhất là đối với các nghề câu mực đại dương, giã kéo đôi, lưới cản. Ðến nay, phường có 73 tàu cá xa bờ, với 14 tổ, đội tương hỗ trên biển. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hồ Văn Mên, nghề khai thác hải sản trước đây gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư để đóng mới, cải hoán tàu; thiếu lao động đi biển; khó tiêu thụ sản phẩm thủy sản khai thác. Việc thành lập các tổ, đội khai thác hải sản đã giải quyết được rất nhiều khó khăn. Trong những năm tới, UBND phường tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân liên kết làm ăn theo mô hình này. Mô hình tỏ ra có ưu thế, phù hợp tập quán của người dân địa phương. Cho nên, các tổ, đội khai thác trên biển chủ yếu là những người thân trong gia đình, dòng họ, khu dân cư.

Khi chuẩn bị thành lập tổ khai thác hải sản số 4, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê (tổ thành lập đầu tiên trên địa bàn thành phố), ông Vũ Văn Tình và các chủ tàu khác đều rất băn khoăn. Một số chủ tàu lo lắng mô hình này liệu có giống  các HTX đánh cá ngày trước đã phá sản? Ông Tình nhớ lại: Tôi và các chủ tàu suy nghĩ, tính toán rất nhiều để xem mô hình này hoạt động như thế nào cho có hiệu quả. Trên cơ sở quy chế hoạt động của các tổ, đội khai thác hải sản do UBND thành phố ban hành, chúng tôi đề ra nội quy riêng và thống nhất tỷ lệ chia lợi nhuận một chuyến biển sau khi trừ  chi phí sản xuất: chủ tàu 30%, chủ lưới 30%, bạn 40%. Ðến nay, tỷ lệ chia này vẫn tỏ ra phù hợp, được nhiều tổ, đội áp dụng. Ngoài ra, khi ra khơi khai thác, các thành viên trong tổ còn giúp nhau bảo vệ ngư lưới cụ, bảo vệ các tàu cá của đội.

Ðà Nẵng hiện có gần 2.000 tàu cá, với tổng công suất hơn 75 nghìn CV; trong đó, tàu cá xa bờ (công suất hơn 90CV) chiếm gần 200 chiếc.  Từ năm 2005 đến nay, Ðà Nẵng thành lập 88 tổ, đội sản xuất trên biển, thu hút 559 tàu cá;  tập trung ở các quận Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu. Các tổ, đội này thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, cùng nghề, cùng địa phương. Mỗi tổ, đội thường có 5-6 tàu, thu hút khoảng 60 lao động/tàu. Mỗi tổ, đội đều thành lập quỹ hỗ trợ rủi ro (bình quân 50 triệu đồng/tổ, đội) trên cơ sở đóng góp của các chủ tàu cá. Quỹ này sẽ hỗ trợ các thành viên khi gặp hoạn nạn, khó khăn để sớm khôi phục sản xuất.

Ðánh giá về hiệu quả hoạt động của các tổ, đội này, Giám đốc Sở Thủy sản-Nông-Lâm TP Ðà Nẵng Trần Văn Huy cho biết, tuy số tàu tham gia tổ, đội sản xuất trên biển chỉ chiếm gần 30% số tàu của thành phố, nhưng lại chiếm hơn 55% tổng công suất tàu cá. Hầu hết các tổ, đội đều tăng sản lượng khai thác hải sản nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong việc tìm kiếm ngư trường khai thác. Ðối với nghề lưới cản, sản lượng khai thác đạt bình quân 6-10 tấn/tàu/chuyến biển (12-15 ngày); câu mực đạt 10-11 tấn/tàu/chuyến (30-45 ngày)... Hai nghề này đều có lãi 40-60 triệu đồng/tàu/chuyến biển. Việc thành lập các tổ, đội khai thác hải sản còn giúp ngành thủy sản dễ quản lý, thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu cá, bảo đảm thông tin liên lạc khi tàu ra khơi. Trong cơn bão số 1 (năm 2006), có 20 tàu tham gia cứu hộ, cứu nạn thì trong đó có 12 tàu cá thuộc các tổ, đội sản xuất trên biển. Ðến nay, thành phố cấp miễn phí 40 máy thông tin liên lạc tầm xa (ICOM) cho 40 tổ, đội để bảo đảm thông tin liên lạc khi tham gia sản xuất trên biển. Các tổ, đội này liên lạc thường xuyên về cơ quan chức năng ở đất liền, thông báo ngư trường khai thác và tình trạng an toàn của tàu cá. Tới đây, UBND thành phố Ðà Nẵng chủ trương nhân rộng mô hình này để tổ chức lại sản xuất trên biển, bảo đảm an toàn cho tàu cá và tính mạng của ngư dân.

Từ năm 2006, Bộ Thủy sản tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tổ chức lại sản xuất trên biển. Hiện nay, tại các tỉnh ven biển đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết khai thác hải sản đạt hiệu quả kinh tế cao như các mô hình tổ đoàn kết (Bình Ðịnh), tổ hợp tác (Bến Tre), tổ, đội khai thác hải sản (Ðà Nẵng).

Thứ trưởng Thủy sản Lương Lê Phương cho rằng, mục đích của việc thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển nhằm tăng khả năng liên kết sản xuất, tương trợ lẫn nhau khi gặp thiên tai trên biển.

Ngoài các nhiệm vụ này, các tổ, đội khai thác còn luân phiên vận chuyển cá về cơ sở thu mua, chế biến; sau đó, tàu này vận chuyển xăng, dầu, đá, lương thực, thực phẩm ra cung ứng cho các tàu khác. Hình thức tổ chức này sẽ giảm chi phí sản xuất, giúp các tàu tăng thời gian bám biển, khai thác có hiệu quả. Mặc dù, các địa phương này đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nhân rộng, nhưng rất cần sự hỗ trợ kịp thời của Bộ Thủy sản.

Vấn đề bảo đảm an toàn cho người và tàu cá tham gia khai thác hải sản xa bờ đã trở thành vấn đề bức xúc, rất cần sự giúp đỡ của các ngành, các cấp chính quyền.