Đến nay, tại tỉnh Hoà Bình, Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới (WB) được triển khai đúng tiến độ, đã phát huy hiệu quả và giải ngân được 71% số vốn.
Ông Bùi Minh Tráng, Trưởng Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo tỉnh Hòa Bình cho biết: Với gần 200 tỷ đồng đầu tư xây dựng 80 công trình giao thông có chiều dài 70 km, 70 công trình thủy lợi, 12 công trình nước sinh hoạt đã đảm bảo nước tưới cho 850 ha đất, cung cấp nước sạch cho 15.000 người dân, 100% số cán bộ huyện, xã được đào tạo cải thiện kỹ năng và kiến thức chuyên môn; 19.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo tham gia các hoạt động cải thiện sinh kế, chiếm 76% số hộ vùng dự án. Ngoài chăn nuôi trâu, bò, gà, đã có 800 nhóm hộ nông dân đang bước vào chu kỳ sản xuất thứ hai như chăn nuôi lợn sinh sản, ngan, vịt, dê, nhím, cá lồng, lươn, ếch, dúi… nhằm đa dạng hóa thu nhập, tránh rủi ro thị trường.
Theo ông Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hòa Bình, dự án đã đa dạng hóa cơ hội liên kết thị trường và hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Từ khi khởi động dự án đến nay, Ban quản lý Dự án Giảm nghèo tỉnh đã triển khai 15 hoạt động liên kết thị trường ở 5 huyện. Hoạt động liên kết trồng và tiêu thụ mía đường nguyên liệu tại các huyện Yên Thủy, Tân Lạc và Đà Bắc với đối tác là Công ty Mía đường Việt Đài (Thanh Hóa) và Công ty Mía đường Hòa Bình đã thu hút 965 hộ nông dân tham gia, trồng được 224 ha mía. Trong quá trình triển khai, công ty đã chủ động phối hợp với huyện, xã bố trí giao giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho từng nhóm hộ. Kết quả trữ đường vượt chuẩn, năng suất mía đạt từ 75 đến 100 tấn/ha, tăng 40% so với trước khi liên kết; giá trị đạt trên 90 triệu đồng/ha mía. Cùng với việc liên kết trồng mía, tại xã Ba Khan, huyện Mai Châu, xã Đồng Chum huyện Đà Bắc, Công ty Xuất nhập khẩu Daragon Việt Nam liên kết với hàng trăm nhóm hộ nông dân trồng trên 30 ha gừng, cho thu nhập tới 162 triệu đồng/ha, cao gấp 10 lần so với trồng cây dong riềng trước đây.
Cũng theo ông Bùi Minh Tráng, thời điểm trước khi thực hiện liên kết đối tác sản xuất, các hộ nghèo vùng dự án tiến hành sản xuất trong điều kiện tự túc, tự phát và phân tán nên khối lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường ít, bị tư thương ép giá. Nay người dân được hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm với giá thu mua cao, đảm bảo sản xuất có lãi, tạo sinh kế bền vững. Năm 2014, với tổng mức đầu tư 9,4 tỷ đồng vốn WB dành cho hoạt động liên kết thị trường và hỗ trợ sáng kiến kinh doanh, Hòa Bình sẽ mở rộng hoạt động liên kết trồng mía đường, trồng gừng, mây; tăng cường hoạt động giám sát liên kết; chủ động phát hiện và xử lý rủi ro thị trường, không để xảy ra tình trạng nông dân phá hợp đồng với doanh nghiệp liên kết, bán sản phẩm ra ngoài.
Được sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới (WB), từ tháng 7/2010 đến 30/6/2015, tỉnh miền núi Hòa Bình triển khai Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 với tổng nguồn vốn 536,376 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của tỉnh là 48,761 tỷ đồng.
Dự án Giảm nghèo được triển khai ở 374 thôn bản thuộc 42 xã của 5 huyện Mai Châu, Đà Bắc, Yên Thủy, Tân Lạc và Lạc Sơn nhằm nâng cao mức sống của người dân qua việc đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tăng cường năng lực thể chế của chính quyền cơ sở và năng lực sản xuất của cộng động dân cư; tăng cường liên kết thị trường và sáng kiến kinh doanh.