Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết và biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cũng như sử dụng giống phù hợp với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Long An cũng đang được triển khai quyết liệt.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, ngoài ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp cơ cấu mùa vụ, thị trường, ngành nông nghiệp cũng chú ý tới các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Nông dân cần sử dụng giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận lợi cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, nhóm giống chủ lực như: OM 4900, OM 6976, IR 50404, OM 2517, nếp, Jasmine 85, RVT, Nàng hoa 9… và các giống lúa chịu hạn, phèn mặn trung bình - khá như: AS 966, OM 2517, OM 5451, OM 6677, OM 576, OM 6976… cho những vùng khó khăn về nước tưới, chịu ảnh hưởng phèn, mặn. Tiếp tục chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang các cây trồng khác có khả năng chịu hạn, chịu mặn tốt, sử dụng ít nước.
Về lĩnh vực thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động theo dõi sát diễn biến thời tiết, dòng chảy; thường xuyên cập nhật kết quả quan trắc môi trường nước tại các huyện vùng Hạ và thông báo kịp thời đến vùng nuôi và người nuôi thủy sản. Tiếp tục nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi, phục vụ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là khu vực nuôi tôm nước lợ. Bên cạnh đó, khuyến cáo người nuôi tôm không nên thả giống ở những vùng có độ mặn cao trên 25‰ (không phù hợp cho phát triển của tôm và dễ xảy ra dịch bệnh). Nếu thả nuôi phải chủ động bổ sung nguồn nước ngọt để có độ mặn phù hợp trước khi thả giống và điều chỉnh trong quá trình nuôi khi nắng nóng, độ mặn tăng, vùng không có điều kiện thì hạn chế thả giống./.