Long An: Còn nhiều hạn chế trong công tác phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá
Được đăng : 03/11/2016
Theo phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Thanh Nguyên: dịch bệnh rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lan truyền ra diện rộng, từ vụ này sang vụ khác là do công tác phòng chống dịch bệnh trên lúa ở các cấp trong thời gian qua chưa được chỉ đạo một cách quyết liệt, còn lơ là, khoán trắng cho ngành nông nghiệp và Chi cục Bảo vệ Thực vật.
Ngày 25/10/2006 UBND tỉnh Long An đã công bố dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên địa bàn tỉnh và triển khai kế hoạch dập dịch tiêu hủy những diện tích bị nhiễm từ 10% trở lên. Ngày 26/10/2006, tỉnh Long An hỗ trợ kinh phí 2 triệu đồng/ha và hỗ trợ 12 kg gạo/người/tháng trong thời hạn 6 tháng đối với những hộ khó khăn để khuyến khích nông dân tiêu hủy những diện tích lúa bị nhiễm bệnh nặng, nhưng việc triển khai thực hiện còn quá chậm, là do chính quyền các cấp chưa thực sự vào cuộc chiến chống dịch rầy nâu. Đến ngày 5/12/2006 toàn tỉnh cũng chỉ tiêu hủy được hơn 500 ha lúa và gần 100 ha mạ lúa mùa và đông xuân, chiếm 16% diện tích bị bệnh cần phải tiêu hủy.
Anh Nguyễn Văn Lân, cán bộ Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, các huyện, xã có thành lập Ban chỉ đạo phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá nhưng thiếu sự kiên quyết trong việc kiểm tra xử lý tiêu hủy, chủ yếu là vận động bà con tự giác tiêu hủy, trong khi đó công tác tuyên truyền, vận động chưa được chú trong thường xuyên, thiếu tích cực của cán bộ, thậm chí không ít địa phương còn xảy ra tình trạng dị nể với nhau hạ thấp tỷ lệ nhiễm bệnh để tránh né tiêu hủy, tận thu đã nuôi mầm bệnh rất lớn.
Khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung quyết liệt phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, nhất là chính quyền xã cần có sự quyết tâm và có những biện pháp vừa thuyết phục, vừa kiên quyết và nếu cần thiết phải có biện pháp chế tài, xử lý tiêu hủy ngay những diện tích lúa bị nhiễm từ 10% trở lên và khi tiêu hủy phải kiên quyết khuyến cáo nông dân chuyển sang cây trồng khác hoặc cắt vụ, tránh tình trạng tiêu hủy hôm trước hôm sau xuống giống để cắt mầm bệnh lây lan. Đối với những diện tích lúa đông xuân sớm, lúa mùa cuối vụ thu hoạch cần phải phun xịt thuốc lần cuối trước khi thu hoạch để trừ rầy nâu không để chúng di cư trú ẩn nơi khác và sau khi thu hoạch cần đốt bỏ, cày, trục lấp, vệ sinh đồng ruộng. Đồng thời, vận động bà con sử dụng giống lúa xác nhận, giống lúa kháng rầy gieo sạ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật sạ ngầm, sạ hàng để vừa tiết kiệm giống lúa, vừa né rầy nâu ở giai đoạn 40 ngày đầu khi gieo sạ. Mỗi xã phải có bẫy đèn bắt bướm và kịp thời phun thuốc phòng trừ rầy nâu tại chỗ không để di trú nơi khác.
Theo Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Long An, tính đến ngày 5/12/2006, toàn tỉnh đã xuống giống được gần 80.000 ha lúa mùa và đông xuân, trong đó đã có hơn 7.000 ha lúa bị nhiễm rầy nâu và hơn 13.000 ha lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, chủ yếu ở lúa mùa và đông xuân sớm. Diện tích nhiễm bệnh tập trung nhiều nhất ở các huyện phía Nam của tỉnh là Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức, Đức Hòa và thị xã Tân An. Diện tích nhiễm từ 10% trở lên chiếm hơn 10.000 ha, nhưng hiện nay tỉnh chỉ mới tiêu hủy được 1.728 ha./.