00:00 Số lượt truy cập: 3229018

Long An: Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 

Được đăng : 03/11/2016

Anh Đoàn Văn Hướng, ấp Thuận Lợi, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ (Long An) có trên 5 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi trồng thủy sản mà đặc biệt là tôm sú. Nhưng những năm gần đây, tình hình nuôi tôm sú trở nên khó khăn, vì vậy anh mạnh dạn chuyển sang nuôi đối tượng mới này.


Với diện tích ao nuôi 3000 m2, anh thả 240.000 post tôm thẻ chân trắng do Trại giống Thủy sản Bình Cách cung cấp. Anh sử dụng chủ yếu là thức ăn viên chuyên dùng cho tôm thẻ chân trắng. Cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật tận tình của các cán bộ Trạm Khuyến ngư vùng Hạ và kinh nghiệm thực tế của bản thân, anh Hướng chỉ tốn 1kg thức ăn cho 1 kg tôm thương phẩm. Sau 68 ngày nuôi, anh thu hoạch 2,2 tấn với cỡ tôm thu hoạch là 100 con/kg, ước tính năng suất đạt 7 tấn/ha; tỉ lệ sống là 91%. Thời điểm hiện nay, với giá bán 50.000đ/kg, anh có lãi 50 triệu đồng.

Vừa qua, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ kết hợp cùng Trạm khuyến ngư vùng Hạ trình diễn mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở hộ anh Đoàn Văn Hướng. Qua 2 vụ nuôi, anh Hướng thấy rằng: “Tôm chân trắng có thể nuôi với mật độ cao 70 - 100 con/m2. Thời gian nuôi ngắn khoảng 60 - 75 ngày nên giảm được rủi ro. Quá trình chăm sóc cũng đỡ mất công hơn so với tôm sú. Trong quá trình nuôi chủ yếu sử dụng các loại vôi, chất khoáng, men vi sinh để quản lý tảo và môi trường ao nuôi. Luôn giữ pH = 8 - 8.5, độ kiềm trên 80 mg/l, hàm lượng oxy > 4 mg/l. Lợi nhuận mang lại từ con tôm thẻ chân trắng khá cao”.

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, nghề tôm thẻ chân trắng vẫn gặp nhiều khó khăn. Giá tôm giống cao nếu tính theo mật độ nuôi thì chi phí ban đầu với con tôm chân trắng cao gấp 4 - 5 lần so với con tôm sú vì thế nếu có thiệt hại do dịch bệnh hay bất kỳ một nguyên nhân nào khác thì người nuôi tôm chân trắng cũng sẽ thiệt hại lớn hơn gấp 4 - 5 lần so với nuôi tôm sú. Hiện nay có rất nhiều nguồn giống có chất lượng khác nhau. Gây khó khăn trong khâu chọn giống. Thị trường tiêu thụ tôm thịt chưa thật ổn định, giá cả dao động lớn…

Với những kinh nghiệm có được sau 2 vụ nuôi tôm thẻ chân trắng, anh Hướng đưa ra một số lưu ý sau: Khâu cải tạo ao ban đầu phải thật kỹ nhằm duy trì pH nước, độ kiềm không dao động lớn. mật độ nuôi phải phù hợp với đầu tư trang thiết bị, điều kiện ao nuôi, trình độ kỹ thuật và trình độ quản lý. Theo anh Hướng chỉ thả nuôi với mật độ 80 - 100 con/m2 là phù hợp. Con giống trước khi thả phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo sạch bệnh. Trong quá trình nuôi cần tăng cường chạy quạt, sử dụng các loại vôi, chất khoáng, chế phẩm sinh học để quản lý môi trường ao nuôi. Đặc biệt phải chú ý điều này ở giai đoạn sau khi tôm được 1,5 tháng tuổi. Cần có ao lắng để xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi để giảm thiểu rủi ro.

Qua mô hình trình diễn này giúp cho bà con nông dân có thêm đối tượng mới để lựa chọn trong việc nuôi thủy sản để nâng cao kinh tế của mình.