Ốc dầy đặc như trấu
Chúng tôi tìm về huyện Thạnh Hoá (Long An), một trong những địa bàn đang bị nạn ốc bươu vàng tàn phá dữ dội trong vụ lúa ĐX này. Trên đồng loang lổ xác cây lúa bị ốc bươu vàng cắn phá be bét, nằm nghiêng ngả nổi bều dưới ruộng. Nhiều người dân đang cặm cụi vơ từng vốc trứng và ốc con vây bám quanh gốc lúa ném lên bờ.
Nông dân Út Lin, ấp 4, xã Thuỷ Tây than vãn: “Chưa năm nào bà con chúng tôi lại khốn khổ bởi nạn ốc bươu vàng tàn phá lúa nhiều như vầy. Chẳng biết ốc từ đâu chui lên dày đặc như trấu thế này, cứ vừa lội vơ bắt đằng trước ngoảnh lại đã thấy chúng cắn phá lúa đằng sau, bắt riết cũng hổng xuể...!”.
Theo Út Lin, vụ ĐX này gia đình anh xuống giống 2 ha, ngay khi bơm nước vào ruộng để làm đất chuẩn bị gieo sạ, anh đã vơ bắt được cả gần chục bao cả trứng lẫn ốc bươu vàng đủ loại lớn nhỏ. Quanh đây ruộng của hộ dân nào trứng và ốc bươu vàng cũng bám đặc, nếu bắt không kịp ốc chui hết xuống đất, bà con lại phải bơm nước vào ruộng đợi chúng trồi lên mới bắt được.
Chứng kiến ruộng lúa của hộ ông Trần Văn Hoàng, ấp 4 mới gieo sạ được khoảng gần 20 ngày, cũng bị ốc bươu vàng cắn phá te tua. Đang dặm tỉa lúa dưới ruộng, ông Hoàng rầu rĩ: “Cũng chỉ vì lo ốc bươu vàng cắn phá lúa, khiến cả nhà tui ăn Tết không yên, mùng 2 Tết đã phải kéo nhau ra ruộng vơ bắt ốc và tỉa dặm lại lúa đến nay vẫn chưa xong…”. Ông Hoàng cho biết, từ Tết đến nay mặc dù ngày nào gia đình ông cũng phải ra ruộng “canh” bắt ốc để cứu lúa, nhưng vẫn mất khoảng 60% diện tích lúa bị thiệt hại do chúng cắn phá. Hễ vừa tỉa dặm xong được chỗ nào, ốc lại lao vào cắn, bắt riết cũng không hết.
Kế bên là ruộng của hộ bà Trần Thị Bé, ấp Cá Cỏ, xã Thạnh Phú, với diện tích 1,7 ha lúa mới xuống giống được 18 ngày, cũng đã bị ốc bươu vàng ào vào cắn phá chết như ngả rạ hơn phân nửa diện tích. Từ sau Tết đến nay gia đình bà Bé đã phải mướn tới gần 50 công lao động vừa bắt ốc ngày đêm và tỉa dặm lại vẫn chưa xong. Không những thế, trên đồng chúng tôi chứng kiến nhiều hộ dân vì bắt ốc không xuể đành chấp nhận cày úp toàn bộ diện tích lúa để sạ lại. Có hộ phải gieo sạ lại tới lần 2, lần 3 nhưng vẫn không thể “thoát” khỏi dịch ốc bươu vàng tàn phá.
Anh Út Lin, kéo chúng tôi đến ruộng lúa nhà mình vừa sạ lại được 6 ngày, mạ mới nhú lên, mặt ruộng khô nứt nhưng anh vẫn không dám cho nước vào vì sợ ốc bò lên cắn lúa. Út Lin cho biết, anh đang phải “căn” khoảng vài bữa nữa bắt ốc vãn rồi mới cho nước từ từ để cứu lúa rồi lại phải tháo nước ra ngay không cho ốc kịp bò lên cắn lúa…
Ngày tỉa dặm, đêm chong đèn bắt ốc
Chưa khi nào người dân Thạnh Hoá lại rơi vào tình cảnh ngày đêm phải bám đồng ruộng như bây giờ. Về đây chúng tôi chứng kiến người dân cặm cụi cả ngày trên ruộng lúa, chờ đến chiều tối lại chuẩn bị lo đốt đèn soi bắt ốc bươu vàng mãi tới đêm khuya mới về nhà nghỉ. Theo kinh nghiệm diệt ốc bươu vàng của ông Trần Văn Hoàng, trước khi gieo sạ ông làm đất kỹ, rải trên mặt ruộng bằng thuốc hạt Map passion hoặc dùng thuốc Ossal 500SC phun lên ruộng. Nhưng vụ này thuốc không diệt nổi chúng, khi nước lên hoặc đến đêm chúng bò ra cắn phá lúa dữ dội. Do vậy, bà con thường tranh thủ chờ đến tối đốt đèn đi soi khắp ruộng “vơ” ốc mới hiệu quả.
Thực tế kể từ Tết đến nay có nhiều hộ dân đã “vơ” được cả mấy tấn trứng và ốc bươu vàng, nhiều đến độ đem về cho vịt, cá ăn không xuể, đành phải đào hầm chôn để tiêu huỷ ốc. Hộ anh Trần Văn Tùng, ấp 4, cũng là “nạn nhân” bị ốc bươu vàng cắn phá thiệt hại 100% diện tích lúa, nay anh vừa kịp sạ lại lúa đợt hai được khoảng tuần lễ. “Trước Tết nghe trên đài địa phương phát động đợt ra quân bắt ốc bươu vàng, Nhà nước sẽ thu mua với giá 500 đ/kg ốc và 5.000 đ/kg trứng. Nhưng cũng chỉ thu mua được một ngày, khiến sau đó bà con phải đem ốc về nhà chôn cũng không hết…” - anh Tùng tâm sự.
Mật độ ốc đã cao nhưng mật độ trứng trên một diện tích còn cao hơn. Trung bình có từ 3-4 ổ trứng trên một m2. Nhiều hộ dân cho biết, trong việc diệt ốc bươu vàng bà con chỉ chú trọng phần ngọn tức là bắt ốc còn phần gốc là diệt trứng thì gần như bị bỏ ngỏ… Do vậy mà trứng ốc tồn tại rất nhiều trên mặt ruộng. Đặc biệt là ở những bờ kênh, trứng ốc bám đỏ cả bụi cỏ, các ống cống đến nỗi nhìn những con kênh nay chẳng khác nào kênh… trứng ốc!
UBND huyện Thạnh Hóa cho biết, dịch ốc bươu vàng hiện đang bùng phát gây hại trên lúa ĐX. Các xã như Thạnh Phước, Thạnh Phú, Thuận Nghĩa Hòa… ốc bươu vàng xuất hiện khắp nơi, chỉ riêng xã Thạnh Phước thống kê đã có trên 4.500 ha lúa từ 10 đến 55 ngày tuổi bị ốc bươu vàng cắn phá nặng.
Hiện ngành Nông nghiệp huyện đang khẩn trương triển khai cho người dân áp dụng các biện pháp dập dịch ốc bươu vàng bảo vệ lúa ĐX. Tuy nhiên, điều đáng nói là, do lượng ốc bươu vàng quá nhiều khiến người dân chỉ biết bắt ốc đập dập vỏ rồi đổ lên bờ ruộng, mương… Thực trạng này sẽ rất nguy hại đến môi trường và dễ gây tai nạn cho bất cứ người nào trong quá trình thăm đồng và thu hoạch lúa…
Bà Trần Thị Mai Phương - Chi cục phó Chi cục BVTV Long An: Cùng với “đại dịch” RN và VL, LXL thì ốc bươu vàng cũng đang hoành hành dữ dội trên lúa ĐX tại nhiều địa bàn trong tỉnh. Ngay từ đầu vụ chúng tôi đã khuyến cáo nhiều biện pháp phòng trừ đồng bộ với các loại dịch hại, trong đó có “vấn nạn” ốc bươu vàng. Tuy nhiên, đến nay ở một số địa bàn các huyện như Thạnh Hoá, Châu Thành, Bến Lức, Vĩnh Hưng, Mộc Hoá… đã xảy ra thiệt hại cục bộ. Chúng tôi sẽ xem xét và đề xuất các biện pháp hỗ trợ kịp thời để giúp các hộ dân ổn định sản xuất… |