00:00 Số lượt truy cập: 2671621

Luân canh tôm - lúa ở ĐBSCL 

Được đăng : 03/11/2016
Mô hình tôm - lúa đang được Bộ NN - PTNT chọn làm mô hình điểm gắn với việc xây dựng thương hiệu. Đây là hướng phát triển mới hút sự chú ý của hơn 500 đại biểu đến từ 20 tỉnh thành khu vực phía Nam dự Diễn đàn khuyến nông @ công nghệ ngày vừa qua tại Đồng Tháp.

Thu hoạch tôm - lúa luân canh

Ông Dương Nghĩa Quốc, Phó giám đốc Sở NN - PTNT Đồng Tháp cho biết: Vài năm gần đây dựa trên lợi thế mùa nước nổi nông dân Đồng Tháp đã mạnh dạn phát triển mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngay lúc này Đồng Tháp đang vào mùa thu hoạch tôm trên ruộng lúa với khoảng 1.200 ha và huyện Tam Nông là vùng trọng điểm luân canh tôm lúa. Ước tổng giá trị tôm thu hoạch trên ruộng lúa năm 2009 này đạt 226 tỷ đồng. Ông Quốc nói: Hiện tại, Đồng Tháp đã qui hoạch mô hình luân canh tôm - lúa đến 2010 là 1.800 ha, năm 2015 là 4.000 ha, năm 2020 là 6.000 ha.

Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: ĐBSCL hiện có 7 tỉnh có mô hình sản xuất luân canh tôm - lúa hay lúa - tôm ngọt, lợ đó là: Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang và Long An. Tổng diện tích khoảng 120.000 ha và Kiên Giang có diện tích nhiều nhất với khoảng 60.000 ha. Lợi nhuận của mô hình tôm - lúa từ 10 - 30 triệu đồng/ha, trong đó: Lợi nhận nuôi tôm khoảng 23 - 27 triệu đồng/ha; lợi nhuận trồng lúa khoảng 3 - 7 triệu đồng/ha.

Lợi nhuận đối với mô hình tôm - lúa nước lợ hay mô hình tôm - lúa nước ngọt đã rõ và đang hút nhiều nông dân sản xuất. Tuy nhiên, để quá trình luân canh tôm - lúa hay nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa phát triển ổn định và bền vững thì con giống đang là vấn đề nóng nhất được nhiều nông dân nuôi tôm đặt câu hỏi tại diễn đàn: Giống tôm càng xanh toàn đực đã sản xuất thành công nhưng đến nay sao ngoài thị trường chưa có giống bán? Ông Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia giải đáp: Qui trình sản xuất tôm càng xanh toàn đực đã có nhưng nhân rộng thì gặp nhiều khó khăn do vướng công nghệ dẫn đến tỷ lệ sống không cao, giá cao, từ đó giống không sản xuất nhiều.

Nông dân Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre hỏi: Hiện tại giống sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, giống Trung Quốc đang du nhập tràn lan nhưng vẫn chưa có cơ sở chứng minh ưu nhược điểm giống nội và giống du nhập? Ông Tình giải đáp: Các trại sản xuất giống hầu hết không có ao nuôi tôm bố mẹ nên dẫn đến sản xuất không ổn định. Các tỉnh nên thiết lập hệ thống ao nuôi tôm bố mẹ. Hiện nay cơ sở nào bán tôm giống rẻ hơn giống sản xuất tại chỗ thì tất cả là nguồn giống từ Trung Quốc. Giống tôm càng xanh Trung Quốc đã bắt đầu có vấn đề, người nuôi cần mang đi xét nghiệm trước khi mua giống thả nuôi. Thực tế, tôm giống càng xanh Trung Quốc nuôi chậm lớn so với giống SX trong nước. Chúng tôi sẽ có ý kiến với Cục Nuôi trồng Thủy sản về vấn đề nhập tôm Trung Quốc tràn lan.

Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nói: Để phát triển hệ thống canh tác lúa - tôm vùng ĐBSCL một cách bền vững và hiệu quả cần thiết phải thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Quy hoạch vùng có khả năng phát triển lúa - tôm, xây dựng các chương trình, dự án đầu tư phát triển, đánh giá các tác động môi trường và yếu tố phát triển bền vững. Thiết lập các dự án đầu tư, nâng cấp, xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ mục đích phát triển sản xuất lúa - tôm. Nghiên cứu, chọn tạo, phục tráng, so sánh, thử nghiệm các giống lúa chịu đựng nồng độ mặn cao và thời gian chịu đựng ở từng thời kỳ phát triển. Bố trí thời vụ canh tác hợp lý cho từng vùng và từng tiểu vùng để cơ cấu giống phù hợp; định hướng sản xuất lúa và tôm theo hướng nông sản sạch, an toàn, đạt chất lượng và chứng nhận tiêu chuẩn GAP.