00:00 Số lượt truy cập: 3234086

Máy gặt đã về đồng đất Hải Dương 

Được đăng : 03/11/2016
Nhờ thực hiện có hiệu quả Quyết định 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vụ mùa này, những chiếc máy gặt đập liên hoàn thu hoạch nhanh, gọn, giá thành hợp lý... đã xuất hiện trên nhiều cánh đồng của tỉnh Hải Dương.

Có máy đỡ mệt hơn nhiều

Trên cánh đồng lúa chín vàng, bà con nông dân xã Lê Ninh (huyện Kinh Môn) hối hả thu hoạch lúa mùa. Vụ này, bà con không còn thấy lạ trước sự xuất hiện của chiếc máy do anh Bùi Văn Khiên làm chủ. Máy đi tới đâu, chiếc lưỡi cắt dài hơn 1m xén cây lúa ngang thân, rồi cuốn vào trong. Các bộ phận của máy thực hiện các công đoạn giống như máy tuốt lúa. Những cọng rơm được đẩy xuống mặt ruộng, còn thóc đẩy về một chỗ. Ở đây, có một người chờ sẵn để đóng thóc vào bao. Trong 15 phút, 2 người gặt thủ công ở thửa ruộng bên cạnh chỉ thu hoạch được khoảng 30m2. Trong khi đó, 2 người sử dụng máy (một người lái, một người đóng thóc vào bao) đã gặt xong 1 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2).

Hiện, tỷ lệ cơ giới hoá trong khâu thu hoạch lúa ở Hải Dương còn thấp. Chính vì thu hoạch thủ công nên tỷ lệ tổn thất khá cao, chưa kể tình trạng thiếu lao động thường xuyên xảy ra. Sử dụng máy gặt lúa đã góp phần khắc phục hạn chế này. Vụ mùa này, xã Tứ Cường (huyện Thanh Miện) có chiếc máy gặt đầu tiên của anh Vũ Văn Ngợi ở thôn Gia Cốc. Hiện, anh đã gặt được 11ha cho người dân trong xã. Bà Đinh Thị Thơm, người dân trong thôn khẳng định: “Chất lượng gặt bằng máy khá tốt. Tỷ lệ hao hụt ít. Vụ trước, tôi thuê người gặt với giá 120.000 đồng/sào, chưa kể chi phí tuốt lúa. Tính ra, giá thành cho khâu thu hoạch khoảng 140.000 đồng/sào. Trong khi đó, thuê máy gặt chỉ mất 80.000 đồng/sào, vừa rẻ, vừa tiện lợi”.

Những ưu điểm của máy gặt đã rõ, nhưng nó cũng có một số nhược điểm. Dù đã thực hiện dồn điền đổi thửa nhưng ruộng đất của Hải Dương vẫn trong tình trạng manh mún. Những chiếc máy có kích cỡ, công suất lớn khó điều khiển được ở những thửa ruộng nhỏ. ông Nguyễn Văn Biên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kinh Môn cho biết: “Máy gặt hiện nay chủ yếu gặt lửng nên sẽ thuận lợi hơn trong vụ chiêm xuân. Trong vụ mùa, người dân cần gặt sát gốc để làm đất sản xuất vụ đông”.

Phát huy hiệu quả thu hoạch lúa bằng máy

Ông Nguyễn Quang Đồng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương cho biết: “Các máy gặt đều ở dạng gặt, đập liên hoàn. Đến thời điểm này, Hải Dương có 14 chiếc máy gặt. Trong những vụ tiếp theo, số lượng máy gặt chắc chắn tăng lên”.

Tuy nhiên, việc sử dụng máy gặt trong thu hoạch lúa hiện nay gặp không ít khó khăn. Một trong những khó khăn là do kích thước, công suất máy vẫn chưa hoàn thiện. Tình trạng ruộng đất nhỏ hẹp, lúa chín không đều cũng là nhân tố khiến máy gặt chưa phát huy được hiệu quả. Mặt khác, một số đơn vị cung ứng máy gặt cũng chưa chú ý đến việc hướng dẫn quy trình sử dụng, gây khó khăn cho nông dân.

Ông Đồng cho biết thêm: “Để việc thu hoạch lúa bằng máy phát huy hiệu quả cao, tỉnh cần tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, thực hiện phương châm gieo cấy “một vùng, một giống, một thời gian” để lúa chín đồng loạt. Các cơ quan chức năng tổ chức tốt hoạt động dịch vụ thu hoạch lúa bằng máy và tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn kích cầu của Chính phủ để mua máy gặt. Các nhà sản xuất, cung ứng máy gặt nên đưa ra thị trường những loại máy có nhiều ưu điểm để nông dân lựa chọn”.