00:00 Số lượt truy cập: 3228572

Máy gặt lúa Vĩnh Hòa xuất ngoại 

Được đăng : 03/11/2016
Mỗi năm, Vĩnh Hòa xuất xưởng 100 chiếc máy gặt lúa, trong đó 40% bán sang Campuchia. Vĩnh Hòa đang “chạy” hết công suất để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu sang Indonesia.



Ít ai ngờ rằng, ở thị trấn Thủ Thừa, tỉnh Long An lại có một xưởng chế tạo máy gặt lúa, được nông dân tin dùng. Chẳng những thế, nó còn khẳng định được ưu thế khi xuất khẩu sang các nước trong khu vực.


Đơn đặt hàng từ Indonesia


Anh Nguyễn Công Khanh, chủ cơ sở sản xuất máy gặt lúa Vĩnh Hòa, cho biết thời gian gần đây, đơn đặt mỗi lúc một nhiều, phải tăng ca liên tục mà vẫn không đủ cung ứng cho khách hàng. Đã vậy, từ đây đến cuối năm, anh buộc phải hoãn nhận đơn đặt hàng của khách trong nước để tập trung làm hàng xuất khẩu sang Indonesia thông qua Công ty Chế tạo máy Long An (Lamico).


Đầu năm 2006, thông qua Lamico, một khách hàng từ Indonesia tìm đến cơ sở Vĩnh Hòa mua chiếc máy gặt ở đây đưa về nước xài thử. Việc người khách Indonesia này tìm đến Thủ Thừa là vì biết chiếc máy gặt lúa xếp hàng Vĩnh Hòa rất được nông dân Campuchia tín nhiệm. Thậm chí còn có một số chiếc len lỏi sang đồng ruộng Thái-lan và tỏ ra vượt trội so với những chiếc máy cùng loại do nước này sản xuất.


Cuối tháng 8-2006, người khách Indonesia quay lại bàn chuyện làm ăn lớn với cơ sở Vĩnh Hòa. Dù biết đây là cơ hội kiếm tiền, quảng bá thương hiệu, nhưng anh Khanh chỉ nhận làm 10 chiếc và hẹn sang năm sẽ ký tiếp hợp đồng. Vì Vĩnh Hòa còn sản xuất thủ công, phải dành thời gian hoàn tất các đơn đặt hàng trong nước. Công suất tối đa của cơ sở Vĩnh Hòa là 100 chiếc mỗi năm. Trong đó 40% là bán sang Campuchia qua đường tiểu ngạch với giá 20 triệu đồng/chiếc.


Cải tiến trên bản vẽ của nước ngoài


Anh Khanh kể: Đầu năm 1985, tiến sĩ Phan Hiếu Hiền, Trưởng Khoa Cơ khí Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, chuyển cho Nhà máy Cơ khí Long An bản vẽ máy gặt lúa xếp hàng do IRRI (Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế) thiết kế. Ông đề nghị nhà máy sớm cho ra đời những chiếc máy hữu dụng từ bản vẽ này nhằm góp phần giải phóng sức lao động cho người nông dân.


Ban giám đốc nhà máy trực tiếp giao cho anh Khanh (lúc đó làm việc tại nhà máy) nghiên cứu và chế tạo ra chiếc máy hoàn chỉnh. Sau gần 30 ngày mày mò, anh Khanh và các kỹ sư trẻ của nhà máy đã cho ra đời chiếc máy đúng như bản vẽ. Qua chạy thử nghiệm cho thấy chiếc máy có nhiều nhược điểm: Các chi tiết thiếu đồng bộ, lúa gặt bị nghẽn, dãy xếp không ngay.


Đặc biệt là máy không thể gặt được lúc sáng sớm và lúc trời mưa. Anh Khanh khắc phục các nhược điểm này bằng việc cải tiến phần truyền động từ đai chéo sang bộ bánh răng cove, làm thêm bộ chén che cánh sao, cải tiến chỗ thoát lúa. Trong đó, cải tiến mang tính đột phá so với bản vẽ là việc anh Khanh chế tạo thêm bộ phận embrayage để điều khiển chiếc máy rẽ trái hoặc phải được dễ dàng.


Sau đó, nhà máy bước vào giai đoạn sản xuất hàng hóa, bán ra thị trường khoảng 160 máy. Giá một chiếc máy gặt ở thời điểm này là 6 chỉ vàng. Nhưng không hiểu vì sao Nhà máy Cơ khí Long An không tiếp tục sản xuất nữa.


Để máy gặt lúa xếp hàng không bị mai một, năm 1994, anh Khanh nghỉ việc tại nhà máy, chuyển về Thủ Thừa thành lập cơ sở cơ khí chế tạo máy Vĩnh Hòa, cho ra đời những chiếc máy gặt thế hệ mới hoàn chỉnh hơn.


Máy gặt lúa xếp hàng thế hệ mới của Vĩnh Hòa mang tên gặt lúa xếp hàng 1.500 gọn nhẹ, gặt được dãy lúa sát bờ, có hệ thống giảm sóc, vượt đường nước, dễ điều khiển. Một giờ cắt của máy bằng 50 công cắt tay. Máy được thiết kế hai hệ thống bánh và số sử dụng trên mặt đất cứng lẫn đất mềm, có hệ thống chống lún khi gặp phải nền đất yếu, lầy nhão. “Tôi đã gởi trọn tâm huyết vào chiếc máy và tôi nguyện sống chết vì nó” - anh Khanh nói.