Mặc dù trở thành “người Thủ đô” chưa được bao lâu nhưng Mê Linh đã thể hiện vai trò là một trong những vùng kinh tế năng động nhất Hà Nội. Để chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, lãnh đạo và nhân dân huyện đã đề ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với quyết tâm, năm 2009, Mê Linh sẽ thành vùng kinh tế trọng điểm.
Vùng nông nghiệp giá trị cao
Năm 2008 được coi là năm đầy biến động và sóng gió trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Thế nhưng, huyện Mê Linh không chỉ hoàn thành mà còn vượt kế hoạch đề ra. Bà Trần Thị Mai, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Cách đây chục năm, Mê Linh vẫn còn là huyện thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào cây lúa. Từ khi Huyện uỷ, UBND huyện xác định lấy ngành nông nghiệp làm đòn bẩy, điểm tựa để công nghiệp, dịch vụ có điều kiện “cất cánh”, Mê Linh đã từng bước thay da đổi thịt. Năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của địa phương đạt gần 2.700 tỷ đồng, nông nghiệp đạt hơn 390 tỷ đồng”.
Đến nay, Mê Linh đã hình thành 3 vùng sản xuất nông nghiệp: vùng gò đồi phát triển lâm nghiệp, kinh tế trang trại, chăn nuôi đại gia súc; vùng màu sản xuất các loại rau, hoa, cây công nghiệp, thực phẩm; và vùng nội, ngoại đê sông Hồng chuyên sản xuất cây lương thực, chăn nuôi bò sữa, bò thịt.
Đặc biệt, 3 xã Mê Linh, Tráng Việt, Tiền Phong đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất hoa rộng 1.000ha, cung cấp hoa cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, huyện còn có nhiều trang trại và liên hợp trang trại sản xuất nấm; các vùng trồng rau an toàn... Hiện, Mê Linh có hàng nghìn hécta đạt giá trị sản xuất 50 - 55 triệu đồng/ha/năm; hàng trăm hécta đạt 90 - 120 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, Mê Linh còn là vùng đất cổ vừa có sông, có núi, có đồng bằng. Dải phù sa màu mỡ ven sông Hồng bốn mùa hoa trái tốt tươi, lại nằm trong trục tam giác phát triển phía Bắc với hệ thống giao thông huyết mạch của cả nước gồm đường sắt, đường thủy, đường bộ. Lợi thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã giúp Mê Linh thu hút được gần 300 dự án đầu tư trong và ngoài nước, hình thành các khu công nghiệp Quang Minh, Tiền Phong, Kim Hoa với tổng số vốn đăng ký hàng trăm triệu USD và gần 10.000 tỷ đồng.
Để mãi nở hoa
Với danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Mê Linh bước vào thời kỳ hội nhập với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, lãnh đạo huyện còn quan tâm đến văn hoá, xã hội. Hiện, huyện có 19 trường mầm non bán công, 32 trường tiểu học, 20 trường trung học cơ sở và 6 trường trung học phổ thông; 100% trẻ em trong độ tuổi được cắp sách tới trường. Gần 70% thôn, làng đạt tiêu chuẩn Làng văn hóa.
Bà Mai cho biết: “Năm 2009, Mê Linh sẽ tiếp tục tận dụng những điều kiện thuận lợi của huyện ngoại thành Thủ đô làm tiền đề để phát triển. Chúng tôi đã đề ra nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng như giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt 3.241 tỷ đồng; nông nghiệp 410 tỷ đồng; dịch vụ 250 tỷ đồng... Tỷ lệ hộ nghèo còn 13,5 – 14%; tạo việc làm mới 2.500 lao động. Huyện phấn đấu đến năm 2010 sẽ nâng mức thu nhập bình quân lên 19 triệu đồng/người/năm”.
Tôi tin rằng, với cách đi đúng, đất địa linh sẽ “nở hoa”...