00:00 Số lượt truy cập: 2638523

Mẹo "sửa" rau ngày Tết 

Được đăng : 03/11/2016
Trong các nước Đông Nam Á và cả thế giới, khẩu phần ăn của người Việt Nam có rất nhiều rau. Vào dịp Tết Nguyên đán, cùng với các thức ăn nhiều dinh dưỡng như cá, thịt thì lượng rau càng được tiêu thụ nhiều.

Các tỉnh ĐBSCL không có vùng rau lớn tập trung như Đà Lạt nhưng lại có nhiều trung tâm nhỏ mà việc trỗi dậy của huyện Chợ Mới – An Giang trong 10 năm trở lại đây là một ví dụ. Rau Chợ Mới không những cung cấp cho miệt đồng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười mà còn vượt biên giới sang Căm Pu Chia. Chính nhờ có thị trường lớn, có được đồng đất phù sa màu mỡ, nước tưới từ sông Tiền nên Chợ Mới đã trở thành huyện đầu tiên ở ĐBSCL có cánh đồng 50 triệu/ha quy mô toàn huyện.

Ông Nguyễn Kim Đơn, xã Hội An, huyện Chợ Mới cho biết thông thường giá rau dịp Tết cao gấp đôi so với ngày thường, hơn nữa thời tiết của vụ rau Tết rất thuận lợi nên cho năng suất cao, chính bởi vậy rau Tết cũng là một cơ hội mỗi năm 1 lần để nhà vườn tăng thêm thu nhập. Theo ông Đơn, giá chót cho mỗi công (1.000 m2), sau khi trừ chi phí nhà vườn còn được trên dưới 20 triệu đồng, chưa có cây trồng nào mang lại hiệu quả như rau.

Tuy có được hiệu quả cao nhưng rau tết cũng luôn luôn tiềm ẩn chất lượng kém do người trồng cố đưa năng suất lên cao bằng việc bón thúc bón ép nhiều phân đạm và người ta cũng cố gắng bảo vệ bằng mọi giá khiến cho càng có nhiều cơ hội cho việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau.

RAU XANH MƯỚT NHƯNG KHÔNG BỊ DƯ LƯỢNG NITRAT

Rau có màu xanh mướt thường là rau được tưới đạm quá nhiều. Thông thường với những rau ăn lá thì người ta phải ngưng tưới phân đạm ít nhất 7 ngày trước lúc thu hoạch. Tuy nhiên nếu áp dụng như thế thì rau thường bị xuống mã, mất vẻ non tơ, ngả sang màu vàng nên khó bán và bán không được giá. Để rau có được mã đẹp mà không bị dư lượng nitrat có thể thay u rê bằng các phân bón lá hữu cơ.

Theo TS Trần Thị Ba, Khoa Nông nghiệp và ứng dụng trường ĐH Cần Thơ, thị trường hiện nay có nhiều loại phân cá cô đặc. Phân cá được sản xuất từ cá thật, được ủ lên men, được vi sinh vật phân hủy để biến các protit khó tiêu trong cá thành các a xít a min dễ tiêu, dễ hấp thu. Việc hấp thu nhanh lượng đạm hữu cơ qua lá khiến cho rau vẫn giữ được vẻ non tơ, xanh đẹp nhưng không bị thối nhũn lúc vận chuyển, không bị dư lượng nitrat cho người tiêu thụ, nhờ vậy bán vẫn được giá cao và ít hao hụt.

Một điều cần chú ý là ngày Tết thường sử dụng nhiều rau sống. Ăn rau sống rất tốt nhưng cũng cần cảnh giác vì nếu ăn quá nhiều thì cũng dễ bị rối loạn tiêu hóa và có nguy cơ bị nhiễm độc nitrat vì chúng ta vẫn không thể kiểm soát được nguồn rau.

Việc tích lũy nitrat trong cây trồng do nhiều yếu tố tác động, từ chế độ dinh dưỡng đến các yếu tố môi trường và chủng loại cây trồng cũng như từng bộ phận khác nhau:

* Tích lũy NO3 rất cao (5.000 mg/kg trọng lượng tươi) gồm có các loại cây trồng như xà lách, củ cải, cải bắp, hành ăn lá, xà lách xoong...

* Tích lũy NO3 trung bình (600-3.000 mg/kg trọng lượng tươi) gồm có su lơ, cà rốt, bí...

* Tích lũy NO3 thấp (80-100 mg/kg trọng lượng tươi) gồm có đậu các loại, khoai tây, cà chua, hành tây, dưa, các loại trái cây...

* Ở cà rốt, NO3 tập trung ở phần chóp củ.

* Ở bắp cải, NO3 tập trung ở phần lõi.

* Ở củ cải, NO3 tập trung ở phần rễ con.

Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để giảm lượng nitrat tồn dư là sử dụng phân bón hợp lý cho từng chủng loại cây trồng. Bón các loại phân kali và lân có tác dụng làm giảm lượng tích tụ nitrat. Các nguyên tố vi lượng như B, Zn, Mn, Fe, Mo... cũng có tác dụng làm giảm lượng nitrat trong nông phẩm.

MUỐN DƯA HẤU KHÔNG NỨT

Dưa hấu bị nứt thường rơi vào 2 trường hợp, một là ruộng dưa gần đến ngày thu hoạch, trái dưa đã lớn hết cỡ, tế bào đã ổn định nhưng gặp mưa bất chợt khiến cho cây hút thêm nước, tế bào to thêm. Hai là, trời không mưa bất chợt, việc tưới tắm vẫn bình thường nhưng vẫn bị nứt do bón quá nhiều phân đạm (urê, DAP). Muốn hạn chế nứt chỉ có cách gia cố thêm vỏ để vỏ dày lên bằng cách bón phân qua lá có hàm lượng can xi cao, tất nhiên là loại can xi dễ hấp thu. Một số loại phân có thành phần amino acid cao trên thị trường hiện có có thể đáp ứng nhu cầu này và chúng lại có ưu điểm là thời gian cách ly bằng 0.

Mặt khác cũng cần nhớ rằng, dưa để chưng trên bàn thờ thường có “tuổi thọ” ngắn hơn so với trái dưa được bảo quản nhiệt độ phòng bình thường. Nguyên nhân là trên bàn thờ liên tục có nhang đèn, khiến cho nhiệt độ tiểu khí hậu khu vực tăng cao hơn và thúc đẩy quá trình hô hấp xảy ra nhanh hơn.

Bón phân Đầu trâu cho dưa hấu

Lượng phân bón nhiều hay ít tuỳ thuộc độ màu mỡ của đất. Đất bạc màu, đất cát cần bón nhiều phân hơn đất thịt và đất sét.

Liều lượng phân bón chung:

Phân chuồng hoai hoặc phân hữu cơ: 1.000 kg/ha.

Vôi bột (quét tường hoặc vôi nung từ vỏ sò): 1.000 kg/ha.

Phân bón NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu: 1.000-1.200 kg/ha.

a. Bón lót:

Bón lót toàn bộ 1 tấn phân chuồng hoặc phân hữu cơ hoai, 1 tấn vôi bột và 500kg phân Đầu Trâu NPK 13-13-13+TE cho 1 ha, bón đều trên luống hoặc bón theo hàng trồng khi làm luống. Xong trải màng phủ nông nghiệp, đục lỗ, gieo hạt…

* Bón thúc lần 1 (12-15 ngày sau khi trồng): 150-200kg Đầu Trâu NPK 13-13-13+TE cho 1 ha.

* Bón thúc lần 2 (20-22 ngày sau khi trồng): 150-200kg Đầu Trâu NPK 13-13-13+TE cho 1 ha.

* Bón thúc thúc nuôi trái (40 ngày sau khi trồng): 200-300kg Đầu Trâu NPK 13-13-13+TE cho 1 ha.

Chú ý: Khi bón phân cho những lần bón thúc có thể dùng một vật nhọn đâm xuyên thủng làm thủng bạt khoảng giữa 2 gốc dưa rồi rải phân xuống hốc. Hoặc bơm nước vào các rãnh, giữ nước lại, rồi rải phân xuống các rãnh. Đây là biện pháp tưới thấm, tuy nhiên nên bổ sung thêm lượng phân từ 20-30%.

Ngoài ra còn kết hợp phun phân bón lá Đầu Trâu 005 giai đoạn cây con giúp cây phát rễ nhanh, thân lá mau bò; Đầu Trâu 007 giai đoạn sắp ra hoa giúp cây ra hoa đồng loạt; Đầu Trâu 009 giúp trái to, vị ngọt, tồn trữ, bảo quản tốt, vận chuyển xa dễ dàng; liều lượng mỗi loại 1 gói (10mg) pha cho bình 8 lít nước, phun đều trên khắp mặt lá - phun định kỳ 5-7 ngày/lần cho đến khi trước thu hoạch 10 ngày.

CẦN SỬ DỤNG HÀI HÒA PHÂN BÓN GỐC VÀ PHÂN BÓN LÁ

Theo KS Phan Văn Tâm, Trưởng phòng phát triển của công ty Phân bón Bình Điền thì cây đã sớm phân hóa thành các cơ quan để thực hiện các chức năng chuyên biệt, cấu tạo của rễ phục vụ cho hoạt động hút nước, dinh dưỡng và cố định cây vào đất; cấu tạo của lá phục vụ chính cho hoạt động quang hợp, hô hấp.

Bởi vậy việc sử dụng phân bón qua lá chỉ có hiệu quả trong trường hợp công năng ấy của đường rễ bị trục trặc, hoặc trong thời điểm khủng hoảng, rễ không cung cấp nhanh và đủ được. Chính vì vậy, các biện pháp kỹ thuật đã từng được phổ cập như làm đất, bón phân hữu cơ, phân lót, bón phân thúc… cần được thực hiện đầy đủ vì chính nó mới là tiền đề cho năng suất cao.

Việc bón phân bón lá là biện pháp để bổ sung dinh dưỡng nhanh chóng và hiệu quả. Một số phân bón lá cho lúa của Bình Điền như VL 009 dùng thúc cũng có thể dùng tốt cho dưa hấu, cà chua bởi chúng có hàm lượng kali cao, khiến cho quả ngọt hơn, chắc hơn.

RAU MẦM – RAU SIÊU SẠCH, SIÊU ĐƠN GIẢN

Theo TS Trần Thị Ba, ĐHCT: Để cung cấp đủ lượng rau an toàn, bổ dưỡng trong mấy ngày Tết cần nhớ tới rau mầm, một nguồn rau siêu sạch, siêu đơn giản. Rau mầm được ưa chuộng nhầt là cải củ vì hương vị cay nồng “rất ấm” của nó. Thông thường 100 gr hạt giống rau mầm có thể cho 700-800 gr rau mầm.

Cách thức ủ rau rất đơn giản, ngâm hạt giống trong nước ấm 2 giờ, ủ 10 giờ khi thấy nhú mầm thì đem gieo trong khay (có nắp) có giá thể là tro trấu hoặc giấy thấm nước vệ sinh và chỉ cần giữ ẩm liên tục thì 4 ngày sau đã có thể sử dụng. Tuỳ theo khẩu vị muốn ăn cay hơn có thể đưa khay ra nắng mỗi ngày 2 giờ thì cây sẽ có màu xanh và vị cay nồng.

Tuy nhiên cần lưu ý là hạt giống thường được bảo quản chống mốc, chống nấm bệnh bằng những loại thuốc chuyên biệt, bởi vậy chỉ có thể sử dụng giống của nhà mình mà mình biết chắc rằng không tẩm bất cứ thuốc gì hoặc mua từ những sản phẩm của các công ty chuyên sản xuất giống rau mầm.