00:00 Số lượt truy cập: 2670186

Miền Trung, nông dân khóc vì dưa 

Được đăng : 03/11/2016
Đã có một thời, dưa được coi là cây xoá đói giảm nghèo của nông dân miền Trung. Người người, nhà nhà đua nhau trồng dưa. Hậu quả của sự phát triển thiếu quy hoạch tất yếu phải đến, thời điểm này, dưa đang trượt dài xuống “vực thẳm”, nông dân trở tay không kịp…

Mưa về, dưa đi

Trung tuần tháng 3, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bất chợt xuất hiện những cơn mưa không được chờ đợi. Những cơn mưa đã mang đến cho người trồng dưa nhiều nước mắt. Không khóc sao được khi có đến 800ha dưa chưa kịp thu hoạch đã bị mưa vùi dập. Những gốc dưa bong lên khỏi mặt đất, rữa thối, giá dưa từ 2.000 đồng /kg bỗng tuột xuống chỉ còn 500 đồng /kg. Người trồng dưa ở huyện Sơn Tịnh, “thủ phủ” dưa hấu của Quảng Ngãi tính toán: Mỗi hecta dưa phải đầu tư 15 triệu đồng. Nếu “mưa thuận gió hoà” họ sẽ thu được 20 tấn quả /ha, với giá bình quân 3 triệu đồng /tấn thì sau chỉ hơn 2 tháng, trong “hầu bao” sẽ có 60 triệu đồng. Nay vì mưa “vùi”, giá “dập”, những người trồng dưa bỗng trắng tay. Quảng Ngãi “thường trực” có gần 1.000ha dưa, mỗi hecta “nuốt” 15 triệu đồng tiền đầu tư thì mỗi vụ dưa “ngốn” của nông dân tỉnh này xấp xỉ 20 tỉ đồng. Bây giờ số tiền này đang là một gánh nặng bởi vì thu không đủ bù chi.

Nỗi buồn dưa thối gốc chưa kịp phai thì người trồng dưa lại gánh chịu thêm nỗi lo rớt giá. Anh Sáu Minh ở huyện Sơn Tịnh cho hay: “Mưa ngấm làm dưa nhạt, màu không được thắm đỏ nên các bạn hàng ở Trung Quốc đã quay mặt với chúng tôi. Khi giá đã rớt thì để bán được dưa cũng không đơn giản, quả nào mà kém 4 kg thì chỉ có bỏ giỏ chạy chợ chứ chẳng ai ngó tới. Làm dưa như nuôi tôm, chỉ có dưa mới giúp mình gỡ nợ được. Nhưng làm ăn được một năm thì mất 3-4 năm, như con bạc, lỡ “khát nước” thì phải lao theo để gỡ, có người vì nôn nóng gỡ nợ mà nay đã thành... triệu phú nợ”.

Không bị mưa mà dưa cũng... nhũn!

Người trồng dưa ở Bình Định cũng chẳng vui vẻ gì hơn. Mặc dù không bị mưa hại nhưng dưa hấu ở đây cũng bị “đổ sụm” vì sập giá. Nguyên nhân mà ngành chức năng tỉnh này đưa ra là do nông dân phát triển diện tích dưa quá ồ ạt. Đất ở Bình Định cạn, người ta kéo nhau vào tận Phú Yên thuê đất trồng dưa. Anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Cù Lâm Nam, xã Nhơn Tân (An Nhơn) tâm sự: “Nhiều năm qua tôi dốc lực đầu tư nuôi bò lai, thất bại nặng nề. Nghe người ta kháo nhau làm dưa sẽ “gỡ” lại được nên năm vừa rồi tôi vào Tuy An (Phú Yên) thuê 3 sào (1 sào = 500m2) đất làm dưa. Gỡ đâu chưa thấy, dưa sập giá làm tôi dính thêm một khoản nợ nữa”. Dù ngành chức năng Bình Định đã khuyến cáo nông dân không nên trồng quá ồ ạt nhưng đến nay, tỉnh này đã có gần 700ha dưa. Đến khi dưa rớt giá chỉ còn 500 đồng /kg thì hàng trăm hộ dân mới vỡ mộng. Ngay đến những hộ có thâm niên trồng dưa ở “Vương quốc dưa hấu Bình Định” - thôn Bình Nghi (Tây Sơn) cũng không tránh khỏi thua lỗ. Anh Trần Thái (46 tuổi) cho biết: “Sau nhiều năm “chung sống” với dưa, chúng tôi không còn sợ “thua” về kỹ thuật, nhưng không tránh được thất bại vì sự bấp bênh của giá cả. Năm nay vì dưa quá nhiều, trong khi thị trường chủ yếu ở Trung Quốc nên xuống giá là điều tất nhiên. Giá đã sập thì chủng loại cũng sập theo. Những loại dưa trước đây được thương lái “đánh” loại 2, nay bị “rớt” xống loại 3, chỉ còn 500 đồng /kg. Vụ này ai may mắn lắm thì huề vốn”. Chị Nguyễn Thị Thu ở xã Nhơn Thọ (An Nhơn)- một thương lái chuyên cung cấp dưa cho thị trường miền Bắc cho biết: “Từ đầu tháng 3 đến nay, phải có đến hàng trăm xe dưa “khốn đốn” trên thị trường miền Bắc vì không có ai mua. Các tỉnh của Trung Quốc giáp biên với Việt Nam đang là mùa lạnh nên người dân chẳng màng đến loại quả “mát mẻ” này. Thậm chí có chuyến dưa bị thối ngay trên xe, chủ dưa bỏ trốn biệt tăm, chủ xe đành chịu phạt cho cơ quan bảo vệ môi trường nước bạn để “giải phóng” chiếc xe về nước tìm mối mới”.

Có thể, cây dưa cũng không đáng tội bởi trong nhiều năm qua nó cũng đã làm cho nhiều người trở nên giàu có. Thế nhưng sự phát triển ồ ạt không theo quy hoạch sẽ như con dao 2 lưỡi và hiện nay người trồng dưa đang… đứt tay. Đã đến lúc các nhà quản lý cần có quy hoạch cụ thể để cây dưa vẫn là người bạn tốt của nông dân.