Tháng 6, nắng nóng đỉnh điểm và kéo dài tại các tỉnh miền Trung khiến nồng độ mặn trong nước biển tăng cao, nguồn nước ngọt ngầm tụt sâu, môi trường ô nhiễm trầm trọng… cũng là tháng của dịch tôm bùng phát mạnh lây lan nhanh. Theo thống kê sơ bộ của ngành thủy sản từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Định, ít nhất đã có gần 2.400 ha diện tích thả nuôi bị dịch bệnh, kéo theo hàng ngàn hộ dân điêu đứng vì nợ nần đã lên tới con số tỷ đồng.
Đến hẹn... tôm chết!
Dường như năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng thời gian này, tôm thả nuôi vụ 1 tại các tỉnh ven biển miền Trung lại chết như ngả rạ. Tại TT - Huế, đến giữa tháng 6, có hơn 800/2.848 ha hồ tôm đã thả nuôi ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, Hương Trà bị nhiễm bệnh, làm chết hơn 60 triệu con tôm nuôi từ 20 - 60 ngày tuổi, gây thiệt hại cho người dân hơn 13 tỷ đồng.
|
Do không có hệ thống xử lý nước thải, cánh đồng nuôi tôm ở xã Đức Phong (Mộ Đức, Quảng Ngãi) đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ảnh nhỏ: Anh Lê Pháp ở xã Nghĩa Phú (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) gom tôm chết vì ô nhiễm. Ảnh: H.M. |
Ông Đặng Văn Dũng, chủ 7 hồ nuôi tôm ở xã Phú Xuân, huyện Phú Vang thất thần cho biết dịch bệnh năm nay đến sớm, lại lây lan nhanh hơn so với mọi năm, và vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đã được khống chế. Ông Dũng nói: “Số dư nợ của nhà tui do vay để nuôi tôm đã lên tới trên 300 triệu. Khi chưa nuôi tôm, tui đâu biết nợ nần là chi. Vậy mà bây chừ gánh trên vai món nợ khổng lồ, chuyện mất ăn, mất ngủ ở xã này vì tôm có đến gần 1.000 hộ… số dư nợ nghe, đâu chỉ riêng trong đã gần 30 tỷ”. Hơn 10 năm, chưa bao giờ con tôm gây nhiều nỗi bất an cho người nuôi như thời điểm hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Hồng (ở xã Tam Hòa, Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết, mấy đêm rồi ông hốc hác vì mất ngủ. Thả nuôi 5 sào đập ven sông Trường Giang và dù tôm nuôi của ông phát triển bình thường, nhưng vì thấy các hồ chung quanh đã bị bệnh, nên ông luôn canh chừng; thức suốt đêm chạy ôxy cho tôm vì sợ tôm nổi đầu. Đến thời điểm hiện tại, Quảng Nam cũng có gần 400 ha diện tích thả nuôi bị dịch bệnh. Mấy hôm nay, anh Lê Pháp ở thôn Cổ Lũy Bắc Vĩnh Thọ, xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) hết ngụp lặn dưới lòng hồ, lại lững thững đi quanh bờ để nhặt tôm chết, rồi đem chôn.
Nói đến chuyện nuôi tôm, anh buồn chẳng muốn nhếch miệng. “Tôm, cua gì đâu… ôi thôi chết trụi. Mới thả nuôi lại, cũng chết nữa rồi”. Lần 1, anh thả nuôi 30 vạn con tôm giống thẻ chân trắng, tôm chưa kịp lớn đã bị chết sạch, thiệt hại 31 triệu đồng. Xử lý lại hồ, anh tiếp tục thả nuôi lần 2 là 36 vạn con, đến nay tôm lớn bằng chiếc đũa con, song đã bị chết khoảng 30%... Còn tại tỉnh Bình Định, theo Sở Thủy sản, toàn tỉnh hiện có trên 600 ha tôm nuôi bị bệnh, chiếm 28,3% diện tích nuôi thả. Tại thôn Huỳnh Giảng, huyện Tuy Phước, người nuôi tôm đã nợ trên 30 tỷ đồng… từ gần 10 năm nay vẫn chưa thể thanh toán.
Bệnh cũ!
Do thua lỗ liên tiếp, hàng trăm hécta nuôi tôm tại huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) đã bị bỏ hoang. Ảnh: HÀ MINH |
Câu trả lời mà chúng tôi nhận được về tác nhân gây bệnh trên tôm tại các cơ quan chuyên môn lại chẳng có gì mới so với những năm trước. Đại diện ngành thủy sản Thừa Thiên – Huế cho rằng: do thời tiết diễn biến phức tạp, mầm bệnh đã có sẵn do nguồn nước đã bị ô nhiễm, con giống chất lượng kém; do thức ăn của tôm không đảm bảo vệ sinh công nghiệp; do các địa phương thiếu kinh phí để dập dịch; do vẫn chưa tìm ra thuốc đặc hiệu để trị bệnh đốm trắng...
Ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Do đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở vùng nuôi tôm chưa đồng bộ, hầu như các xã bước đầu chỉ quy hoạch, phân lô cấp đất cho dân làm hồ nuôi tôm, nhưng việc đầu tư hạ tầng còn bỏ ngỏ. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi chưa phân khai vốn đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi tôm trên cát... Tỉnh Quảng Nam cũng chẳng có gì mới: để ngăn chặn hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt, trước hết phải xử lý triệt để những ao nuôi đã bị bệnh. Ao có tôm chết vì virus đốm trắng phải khử trùng nước và đáy ao bằng Clorin 30 - 50ppm; phải gây màu nước tốt và luôn kiểm tra không để xảy ra hiện tượng này… đây là chữa bệnh theo kiểu “phủi nóng” và “thuốc” dường như đã mất tác dụng…
Cái mà người nuôi tôm cần là những hoạch định mang tính chiến lược và những giải pháp hiệu quả để các vụ sau không còn xảy ra dịch bệnh thì ngành thủy sản các địa phương này vẫn đang loay hoay và... chịu không dám đưa ra một câu trả lời mang tính đảm bảo! Bởi khi hỏi ai cũng biết nguyên nhân của mọi nguyên nhân là đã để phong trào nuôi tôm phát triển ồ ạt đến mức không còn kiểm soát được, dẫn đến môi trường nuôi tôm bị quá tải đến mức không còn cách nào khác là... phải phá ra để quy hoạch lại từ đầu - đây là một giải pháp không tưởng.
HÀ MINH
Những ngày gần đây, thời tiết ở ĐBSCL diễn biến thất thường lúc nắng lúc mưa, làm môi trường thay đổi đột ngột dẫn đến tôm chết hàng loạt ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Theo ông Ngô Văn Thử, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước (Bình Đại, Bến Tre), đã có hàng chục ao tôm công nghiệp bị chết với mật độ khá cao. Tại Sóc Trăng, những ngày qua có trên 2.100ha tôm bị thiệt hại. Riêng tại xã Gia Hòa 1 huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), đã có 182ha tôm chết và số lượng còn tăng. Còn ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, ông Trang Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hưng xác nhận đã có 3.159ha tôm nuôi quảng canh đang xuất hiện tôm chết rải rác. Không ít nông dân đang lo lắng trước khả năng thất bát vụ tôm này, đồng thời kéo theo công nợ vay của ngân hàng. Tại huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), chỉ riêng ở xã Gia Hòa 1, dân nuôi tôm đang nợ ngân hàng trên 37 tỷ đồng đã 6 năm chưa trả được, ở xã Hòa Tú 1, bà con cũng đang mắc nợ khoảng 31 tỷ đồng… H.P.L. |