Nhằm giúp nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật Xây dựng được mô hình chăn nuôi gà thịt Lương phượng lai tập trung, áp dụng quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học làm điểm trình diễn để nhân rộng thành vùng chăn nuôi có quy mô lớn đáp ứng yêu cầu cung cấp sản phẩm an toàn (sạch) cho người tiêu dùng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã giao cho Trung tâm Nghiên cứu Nông vận cùng với Hội Nông dân tỉnh triển khai Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà Lương phương lai an toàn sinh học theo quy mô gia trại” tại xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Dự án đã xây dựng được 01 mô hình tại xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang với tổng số 3.000 gà với 6 hộ tham gia trong đó 01 hộ quy mô 300 con, 03 hộ quy mô 400 con, 01 hộ quy mô 700 con và 01 hộ quy mô 800 con.
Đến 12 tuần tuổiđàn gà của các hộ tham gia mô hình đều đạt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật theo tiêu chuẩn của giống: Tỷ lệ nuôi sống trung bình của các hộ là 97%; Khối lượng cơ thể trung bình đạt 1,7 kg/con; Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng 2,1 kg.
Qua thực hiện Dự án bà con nông dân đã nắm bắt được nhiều kiến thức bổ ích, học hỏi đúc rút được nhiều kinh nghiệm chăn nuôi gà an toàn sinh học. Qua tập huấn và thực tiễn mô hình bà con nông dân đã thấy được tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chăm sóc đàn gà đặc biệt là trong khi úm gà, biết được tầm quan trọng của biện pháp phòng bệnh bằng vác xin, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Thông qua các mô hình trình diễn, nhiều hộ nông dân đã học hỏi và áp dụng; Dự án được thực hiện đã làm thay đổi tư duy chăn nuôi, giúp bà con hình thành nghề chăn nuôi gà theo hướng tập trung, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho bà con nông dân.
Mô hình không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, cung cấp sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường và an toàn cho người tiêu dùng. Hơn nữa, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm thì việc phát triển mô hình nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm đảm bảo sức khỏe cho người nuôi, giảm tình trạng nuôi thả lan, hạn chế rủi ro, lây lan dịch bệnh, tỷ lệ nuôi sống cao.
Để nâng cao hiệu quả của mô hình cần có biện pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm an toàn sinh học và đúng thời điểm thu hoạch.