00:00 Số lượt truy cập: 2662405

Mô hình chuyển dịch mùa vụ ở Phú Thịnh 

Được đăng : 03/11/2016

Hiện nay xã Phú Thịnh, huyện Kim Ðộng (Hưng Yên) đang dấy lên phong trào chuyển từ cấy hai vụ lúa và làm một vụ đông sang làm ba vụ màu, cho thu nhập tăng gấp 2-3 lần.


Trong khi hàng năm nước ta phải nhập khẩu một lượng rất lớn ngô hạt cho chế biến thức ăn gia súc và công nghiệp thực phẩm, thì việc chuyển một phần diện tích cấy 2 vụ lúa và làm 1 vụ đông bấp bênh sang trồng 2 vụ ngô và 1 vụ đậu xanh ăn chắc, chẳng những cho hiệu quả kinh tế tăng gấp 2-3 lần, mà còn có ý nghĩa như xuất khẩu lương thực tại chỗ, góp phần thúc đẩy quá trình CNH - HÐH nông nghiệp, nông thôn, làm thay đổi tập quán canh tác bao đời của nhà nông vùng lúa. Những mô hình như thế này rất cần được nhân rộng.

Hiện nay xã Phú Thịnh, huyện Kim Ðộng (Hưng Yên) đang dấy lên phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, từ các chân ruộng màu, ruộng cao cấy 2 vụ lúa và làm 1 vụ đông bấp bênh, bà con nông dân ở đây đã chuyển hẳn sang làm 3 vụ màu ăn chắc với công thức luân canh, ngô xuân hè - đậu xanh hè thu và ngô thu đông, chẳng những cho thu nhập vượt trội, mà còn góp phần gia tăng lương thực bình quân đầu người tại cơ sở.

Ði thăm cánh đồng chuyển đổi của thôn Ðỗ Quan, bà con nông dân đang tận thu nốt những quả đỗ cuối cùng trên đồng. Anh Trần Văn Phóng (đội 4 - thôn Trung Hòa) hồ hởi nói với chúng tôi, ruộng đỗ 2,5 sào này, gia đình anh đã thu 180 kg bán được 2 triệu đồng, vụ kế trước cũng chân ruộng này trồng ngô xuân cho thu 8 tạ trị giá 2,6 triệu, thu hoạch 2 vụ đã gần gấp rưỡi so với cấy 2 vụ lúa các năm trước, còn 1 vụ ngô thu đông nữa chuẩn bị gieo chắc chắn thu hoạch không dưới 2,5 triệu đồng.

Anh cho biết: Cách làm này đơn giản, ít tốn công mà thu nhập gấp bội, đặc biệt giảm rất nhiều thuốc trừ sâu bệnh và không cần phun thuốc trừ cỏ. Cùng chung suy nghĩ với anh Phóng, nhiều bà con nông dân còn tính chi li, nếu làm 1 vụ lúa ở các chân ruộng này tốt nhất mới được 2 tạ/sào, sau khi trừ mọi chi phí, kể cả công lao động còn lãi gần 300 nghìn đồng, còn trồng ngô dễ dàng cho năng suất 3 tạ/sào trừ chi phí còn lãi 600 nghìn đồng, gấp 2 lần so với cấy lúa, còn 1 vụ đậu xanh chỉ 70 ngày từ trồng đến thu hoạch cũng cho lãi  ròng 500 nghìn đồng.

Tại văn phòng Ủy ban nhân dân xã khi được hỏi điều gì đã làm nên những cánh đồng chuyển đổi hiệu quả như thế này? Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Khắc Hợp khiêm tốn: Thật ra cách làm này đã có ở vùng đất bãi ven sông từ mấy năm nay do đặc thù không chủ động tưới tiêu, còn ở trong đồng trên đất 2 lúa ban đầu cũng xuất phát từ các chân ruộng cao, khó khăn trong khâu tưới, một số gia đình đã chuyển sang làm rau, củ, nhưng thị trường bấp bênh, hiệu quả thấp, một vài nông hộ với cơ cấu trồng 2 vụ ngô, 1 vụ đậu xanh, cho thu nhập cao, ổn định, sản phẩm tiêu thụ dễ dàng.

Từ thực tiễn đó, Ðảng ủy, Ủy ban nhân dân xã đã tổng kết, ra nghị quyết xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ từ các chân ruộng cấy lúa 2 vụ mà tưới, nước không tự chảy sang làm 3 vụ màu, bao gồm: ngô xuân hè, đậu xanh hoặc đậu tương hè thu và ngô thu đông, giao cho Hợp tác xã nông nghiệp tìm nguồn giống tốt, năng suất, chất lượng cao cung ứng cho bà con nông dân. Năm 2006 đã chuyển được 50 mẫu, hiệu quả cho thu nhập vượt trội tạo được lòng tin trong nhân dân, sang năm 2007 tiếp tục chuyển đổi thêm 60 mẫu nữa, hiện nay bà con nông dân trong xã rất hào hứng chuyển đổi sang mô hình do xã phát động.

Từ mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ ở xã Phú Thịnh chúng ta có thể rút ra một số nhận xét, đây là mô hình chuyển đổi hoàn toàn đúng hướng:

Hiệu quả kinh tế có tính thuyết phục rất cao, thu nhập tăng gấp 2-3 lần so với cơ cấu cây trồng cũ, đã được bà con nông dân tại đây minh chứng qua kết quả chuyển đổi năm 2006 và từ đầu năm 2007 đến nay.

Cơ cấu cây trồng, mùa vụ trong chuyển đổi có tính bền vững cao, bởi cây ngô là cây khai thác đất, cây đậu xanh hoặc đậu tương là các cây bồi dục đất, việc bố trí trồng cây họ đậu sau ngô đã giúp lấy lại cân bằng dinh dưỡng đất, hạn chế sự thoái hóa đất đang diễn ra phổ biến ở đồng bằng sông Hồng, mặt khác sự thay đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang ngô, từ ngô sang đỗ đã cắt đứt chuỗi thức ăn, nguồn ký sinh, ký chủ của sâu bệnh, hạn chế sự phát sinh phát triển của sâu bệnh, giảm nguy cơ bùng phát dịch hại, từ đó giảm sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh, tạo cân bằng môi trường sinh thái, bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Ðặc biệt sự chuyển đổi này góp phần mở ra một hướng mới tăng sản lượng lương thực, bởi cây ngô là cây lương thực quan trọng sau lúa, nhưng với lúa năng suất gần như đã chạm trần, năng suất trung bình dao động chung quanh 5 - 6 tấn/ha/vụ, rất khó tăng sản lượng theo con đường này, còn cây ngô theo các nhà khoa học tiềm năng năng suất rất lớn có thể đạt 30 tấn/ha/vụ.

Việc bố trí lại mùa vụ làm thay đổi căn bản tập quán canh tác cũ (đầu tư cao, hiệu quả thấp), có vai trò rải vụ sản xuất, bố trí lại lao động, nhờ thu nhập cao ổn định nên góp phần nâng cao đời sống nông hộ, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Ðây là mô hình mới  mang tính đột phá về thay đổi cơ cấu mùa vụ. Nên chăng, tỉnh Hưng Yên, các cấp chính quyền, ngành chuyên môn sớm tổng kết, nhân mô hình ra diện rộng.