00:00 Số lượt truy cập: 3228354

Mộc Hóa Sau 5 năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi 

Được đăng : 03/11/2016
Trong những năm qua, huyện Mộc Hóa tập trung đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm từng bước cải thiện đời sống người dân, bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng. Đến nay, huyện đã xây dựng được một số mô hình sản xuất lúa thâm canh với các loại cây trồng khác như: Dưa hấu, bắp lai, đay sợi... Kết hợp mô hình nuôi trồng thủy sản trong ruộng lúa, trong ao, nuôi cá trong mùa lũ, nâng cao lợi nhuận trên 1 ha đất canh tác. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò, dê, heo theo mô hình bán công nghiệp và công nghiệp.


Lúa ổn định, rau màu, cá, gia súc trên đà phát triển

Tính đến năm 2006, tổng diện tích lúa gieo sạ trên 55.000 ha, tăng gần 5.000 ha so với năm 2001, nguyên nhân là do bà con tiếp tục khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích, một số chuyển từ trồng tràm sang trồng lúa. Do tích cực hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như sử dụng giống chất lượng cao, áp dụng mô hình IPM, mô hình cánh đồng ''3 giảm 3 tăng''... nên năng suất lúa đến năm 2006 đạt gần 46 tạ/ha, tăng gần 5 tạ so với năm 2001. Cây dưa hấu cũng dần khẳng định hiệu quả tại địa phương, một phần diện tích gò cao ở các xã Bình Tân, Bình Hiệp, Thạnh Trị được bà con chuyển sang trồng dưa hấu chính vụ và trái vụ. Diện tích dưa hấu liên tiếp tăng lên trong vài năm qua, đến năm 2006, toàn huyện trồng được gần 1.100 ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2005; năng suất đạt ở mức 15-20 tấn/ha, trung bình mỗi hécta nông dân có lời khoảng 10 triệu đồng. Do hiệu quả trong vụ lúa hè thu hàng năm không cao, nhất là ở các xã vùng đất trũng thấp đã chuyển sang trồng đay sợi. Nhìn chung, diện tích đay trong những năm qua giữ vững ở mức 1.000 ha. Riêng năm 2006, toàn huyện đã trồng được 1.550 ha, tuy nhiên có gần 900 ha ra hoa, trái sớm, năng suất chỉ đạt 5 tạ/ha nông dân bị thiệt hại khá nặng do bà con không chủ động được giống, mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Đến nay, trên địa bàn huyện còn trồng được cây khoai mỡ, chủ yếu ở xã Tân Thành với diện tích 40 ha; năng suất 80 tạ/ha; lợi nhuận từ 5-7 triệu đồng/ha. Ngoài ra, còn trồng được 2,3 ha mè và hơn 100 ha cây rau màu các loại, chủ yếu cung cấp cho nhân dân trong huyện... Đối với diện tích đất lâm nghiệp, chủ yếu là rừng tràm, từ 2001 đến 2005 diện tích tràm chỉ dao động từ 6.000 - 8.000 ha, nhưng một vài năm trở lại đây cây tràm có giá trị kinh tế không cao nên nhiều nông dân bắt đầu chặt phá để trồng lúa. Theo kết quả thống kê sơ bộ, trong thời gian gần đây diện tích tràm đã giảm từ vài trăm đến gần 1 ngàn hécta.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, thời gian qua bà con nông dân gặp không ít khó khăn do tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, giá cả không ổn định nên hiệu quả sản xuất có giảm, nhưng nhìn chung các mô hình chăn nuôi như heo, bò, dê được chú trọng phòng ngừa, cải tạo nên số lượng đều tăng dần qua các năm. Năm 2001, toàn huyện có 11.500 con heo nhưng đến năm 2006 lên tới 17.000 con, nhiều hộ chuyển hướng theo mô hình chăn nuôi công nghiệp, hướng nạc để tăng hiệu quả kinh tế. Riêng đàn bò từ năm 2001 đến nay, có bước nhảy vọt về số lượng, từ chỗ chỉ có khoảng 1.000 con nay lên đến gần 5.000 con, tập trung chủ yếu vào mô hình nuôi bò vỗ béo, bước đầu phát triển đàn bò Laisind để nuôi thâm canh và cải tạo dần đàn bò địa phương. Con dê cũng là một đối tượng mới được ngành Nông nghiệp chú trọng phát triển, hiện nay toàn huyện đã có 600 con dê đang phát triển tốt.

Về phát triển thủy sản, huyện chủ yếu phát triển các mô hình nuôi cá nước ngọt trong ao trên ruộng lúa, nuôi trong mùa lũ như: Cá lóc, cá rô đồng, cá sặt rằn, cá rô phi dòng gift... Năm 2001, huyện có gần 150 ha diện tích nuôi thủy sản, đến năm 2006, có diện tích là 250 ha, sản lượng đạt trên 4.000 tấn-tăng trên 2 ngàn tấn so với năm 2001. Trong đó hiệu quả nhất vẫn là mô hình nuôi trong ao, năm 2006 có gần 220 ha diện tích ao nuôi cá, năng suất bình quân đạt 15-20 tấn/ha, sản lượng trên 3.240 tấn. Diện tích nuôi cá trong ruộng lúa và trong mùa lũ cũng đạt kết quả khả quan bước đầu và tiếp tục được đầu tư nhân rộng. Riêng mô hình nuôi cá lồng, bè giảm đáng kể, do giá thương phẩm bấp bênh, giá thức ăn công nghiệp tăng cao nên không thu hút người nuôi...

Định hướng cho tương lai

Với những kết quả đạt được cho thấy cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp huyện Mộc Hóa trong những năm qua chuyển dịch đúng hướng, dần dần đi vào ổn định, có thể phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, huyện Mộc Hóa cũng đang gặp phải những khó khăn chung như tình hình giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao trong khi thị trường nông sản thiếu ổn định, dịch bệnh trong nông nghiệp ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là bệnh rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá đã và đang có nguy cơ bùng phát gây thất thu mùa vụ của nông dân.

Theo ông Nguyễn Phú Quyển, Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa cho biết: Trước mắt huyện tập trung chỉ đạo đối phó với tình hình dịch bệnh, nhất là bệnh rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá trên vụ lúa đông xuân 2006-2007, đồng thời tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, hiệu quả. Huyện đã và đang phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ Long An triển khai thử nghiệm mô hình nuôi cá sặt rằn và cá rô đồng trong ao và trong ruộng lúa tại xã Bình Hòa Trung và Bình Hiệp, bước đầu cho kết quả khả quan. Đề tài chăn nuôi cải tạo đàn bò, dê triển khai tại địa phương từ cuối năm 2005 đến nay cũng cho kết quả tương đối tốt. Ngoài ra, huyện đang chuẩn bị triển khai đề tài trồng cây mè trắng trên vùng đất gò và đất xám bạc màu trong vụ xuân hè năm 2006-2007 tại các xã Bình Tân, Bình Hiệp và Thạnh Trị. Hướng tới huyện thực hiện mô hình ''cánh đồng giá trị tăng thêm 25 triệu đồng/ha'' ở một số xã. Bên cạnh đó, huyện có hướng phối hợp với Nhà máy bột giấy Phương Nam giải quyết vấn đề đầu ra cho cây đay sợi, đây cũng là cách làm mới được bà con nông dân trong huyện quan tâm hưởng ứng...

Với những kết quả đạt được trong 5 năm qua, cùng với những định hướng cụ thể, mang tính khả thi nêu trên, huyện Mộc Hóa hoàn toàn có thể tạo bước đột phá trong việc làm đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, cải thiện hiệu quả sản xuất trong những năm tới.