Vốn đam mê làm vườn và rất khoái cây bưởi da xanh, ông Hai Hoa mày mò nghiên cứu để cây cho trái quanh năm bằng nhiều cách. Cuối cùng, cách duy nhất mà ông áp dụng thành công là lảy lá (như người dân lảy lá mai vàng vào dịp Tết cho mai ra hoa). Ông không lảy lá hết cây mà chọn những cành xum nhất để cân bằng, không làm suy kiệt cây. Trước khi lảy lá nhà vườn cần bón phân cho cây sung sức. Sau khi lảy lá cây ra hoa, đặc biệt hoa đậu nhiều ở những nhánh nhỏ, mọc trong thân ra và thường cho trái to.
Đối với nhà vườn trồng bưởi da xanh, sáng kiến tiếp theo của ông Hai Hoa có tính "sống còn" trước yêu cầu nâng cao chất lượng của trái cây nói chung và bưởi nói riêng. Đó là xử lý làm sao để bưởi không hạt hoặc hạt rất nhỏ và lép. Để giải quyết vấn đề này, ông Hai Hoa có sáng kiến dùng lưới mắt thưa đan thành chiếc lồng trùm lên hoa bưởi. Cách làm này có tác dụng ngăn sự thụ phấn chéo giữa các loại cây có múi với nhau và giúp hoa không bị sâu bọ gây hại. Nhà vườn chỉ trùm lồng khi hoa chưa nở, lúc hoa nở thì lấy ra cho hoa quang hợp ánh nắng. Tuy nhiên, để đạt kết quả cao, trong vườn cần trồng một loại bưởi và trong bán kính 3 km phải là những vườn bưởi thuần chủng...
Với hai sáng kiến trên, ông Hai Hoa đã được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi, nông dân sáng tạo (2006); giải thưởng sáng tạo KHKT, do Sở KH & CN Bến Tre tặng (2007); được tuyên dương tại Ngày hội cây, trái ngon - an toàn tỉnh Bến Tre lần thứ VII - 2007, với thành tích là nông dân có tinh thần sáng tạo và ứng dụng KHKT trong sản xuất, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm cho các nông dân khác (ông viết hai sáng kiến trên thành tài liệu bướm tặng kèm cho người mua cây giống). Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam chọn vườn bưởi da xanh của ông là một trong những địa điểm cây đầu dòng để lai ghép, sản xuất cây giống./.