Huyện Cai Lậy có trên 17.000 ha vườn trồng cây ăn trái trong đó diện tích vườn chuyên canh lên đến gần 14.000 ha, hàng năm cho sản lượng gần 200.000 tấn quả. Chủ lực có sầu riêng, chôm chôm, cam quít, bưởi, .. Đáng chú ý huyện Cai Lậy nổi tiếng Đồng bằng sông Cửu Long với vùng chuyên canh sầu riêng lên đến gần 5.000 ha cho sản lượng khoảng 50.000 tấn quả với các giống: khổ qua vàng, khổ qua xanh, mong thong, cơm vàng hạt lép, Ri6, Chín Hóa...
Vụ trái cây chính vụ năm nay đến với nhà vườn Cai Lậy kèm theo những nỗi lo ngại lớn về thị trường tiêu thụ, giá cả và những thách thức khác. Đã thành thông lệ hầu như năm nào nhà vườn cũng đối mặt với tình trạng trúng mùa, rớt giá, thua thiệt. Thời gian qua nhà vườn trồng sầu riêng tại Cai Lậy méo mặt vì giá sầu riêng tụt xuống chỉ còn 3.000 đ đến 4.000 đ/kg sầu riêng khổ qua.Các giống sầu riêng chất lượng tốt khác tuy có cao hơn nhưng cũng chỉ mức trên dưới 10.000 đ/kg mà thôi.
Có một ngịch lý là lúc trái cây rẻ như bèo thì vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại tăng vùn vụt, gấp hai ba lần cùng kỳ năm trước. Nhà vườn thu nhập thấp cuộc sống càng bấp bênh hơn. Giá cả đã vậy. Sức cạnh tranh của trái cây Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và huyện Cai Lậy nói riêng càng yếu kém hơn trước sự tràn ngập của các loại trái cây xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ...với chất lượng vượt trội. Hạ tuần tháng 5/2008 vừa qua, các loại bòn bon, măng cụt, sầu riêng Thái Lan và Campuchia bán tại cửa khẩu Xà Xía (Hà Tiên, Kiên Giang) giá cũng chỉ xấp xỉ với giá trái cây nội địa cùng loại nhưng chất lượng khá hơn hẳn. Hầu hết các du khách tham quan Hà Tiên, Châu Đốc những địa danh du lịch nổi tiếng có đường biên giới với Campuchia khi về đều mua một ít trái cây đặc sản nhập khẩu về làm quà. Trái cây nội địa thua ngay trên sân nhà một điều đáng tiếc và đau lòng.
Nói đến Cai Lậy (Tiền Giang) từ lâu người ta liên tưởng đến những khu vườn trồng cây ăn trái bạt ngàn, sum suê mùa nào thức nấy và quanh năm trái ngọt cây lành. Thế mạnh ấy trong cơn bão giá và xu thế hội nhập kinh tế hiện nay đang lung lay. Hạn chế lớn nhất của vùng trồng chuyên canh cây ăn trái tại đây là chất lượng chưa tốt và chưa đồng đều, khả năng cạnh tranh kém, đầu ra luôn bấp bênh, hiệu quả kinh tế không ổn định. Các giống cây ăn trái đặc sản của địa phương thường bị chê về chất lượng, độ ngon kém so với trái cây cùng loại xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc. Mặt khác, vùng trồng chuyên canh cây ăn trái đặc sản tại đây có đặc điểm đất hẹp người đông, thu nhập của nhà vườn bấp bênh, cuộc sống luôn khó khăn. Vào vụ trái cây chính vụ 2008, thêm nhiều mối lo hơn: giá lúa gạo tăng cao, nhu yếu phẩm tăng cao, vật tư nông nghiệp tăng cao trong khi giá trái cây trồi sụt thất thường. Nhiều hộ nông dân bỏ bê vườn tược quay sang những ngành nghề khác kiếm sống thậm chí có kế hoạch ban vườn trồng lúa(!).
Nhiều năm nay huyện Cai Lậy đã đầu tư qui hoạch hai ô đê bao Đông Tây sông Ba Rày mục đích chuyển toàn bộ diện tích canh tác thành vuờn trồng cây ăn quả đặc sản. Các xã hưởng lợi gồm: Thanh Hòa, Cẩm Sơn, Hội Xuân, Long Khánh, Long Tiên, Tam Bình,... nhưng đến nay tiến triển chậm. Người dân sở tại phân vân không biết nên lập vườn hay trồng lúa. Nếu lập vườn nên trồng cây gì? Nỗi lo lắng ấy vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.