00:00 Số lượt truy cập: 3234085

Mùa vải 2008: Điệp khúc mất giá có tái diễn? 

Được đăng : 03/11/2016
Giống như các loại cây trồng khác, năm nay vải thiều Bắc Giang gặp phải nhiều bất lợi từ thời tiết, giá vật tư nông nghiệp tăng cao... nên sản lượng có phần giảm sút. Tuy nhiên, điều khiến người trồng vải lo ngại hơn cả là điệp khúc "được mùa, mất giá" có tái diễn trong vụ này.

Nỗi lo vải chính vụ


Gần 30 năm qua, tại nhiều địa phương như Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn... của Bắc Giang, vải thiều đã trở thành cây trồng chủ lực, góp phần giúp người dân xoá đói, giảm nghèo và làm giàu. Những ngôi nhà cao tầng khang trang cùng tiện nghi sinh hoạt đắt tiền đều nhờ vải mà có. Tuy nhiên, thực trạng “được mùa, mất giá” liên tục lặp lại với vải thiều Bắc Giang khiến nhiều hộ lâm vào cảnh khốn đốn. Năm 2007 là năm được mùa vải với sản lượng 243.000 tấn nhưng giá lại rớt thê thảm. Năm nay, mặc dù ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại nhưng ước tính sản lượng vải toàn tỉnh vẫn là 228.000 tấn, trong đó Lục Ngạn khoảng 90.000 tấn, Lục Nam 60.000 tấn, Yên Thế 40.000 tấn… Nhưng điều mà người dân lo ngại hơn cả là giá bán có bù đắp được chi phí sản xuất hay không? Bởi chất lượng quả đã giảm sút khá nhiều. Bình thường thời tiết lạnh khô là điều kiện lý tưởng để vải ra hoa, đậu quả. Nếu lạnh quá lâu sẽ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng. Vụ vải năm nay chậm hơn các năm trước khoảng 20 ngày, dù vậy thời điểm này nhiều hộ dân đứng ngồi không yên khi thấy quả còn nhỏ.


Vườn vải của ông Nguyễn Văn Hùng ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn) rộng 2ha. Mặc dù còn 1 tháng nữa vải chính vụ mới chín rộ nhưng những ngày này ông như ngồi trên đống lửa vì sợ “ế hàng”. Ông cho biết: "Giá cả năm nay chưa biết thế nào nhưng tôi lo lắm, giá phân bón, thuốc trừ sâu… đều tăng, nếu giá vải thấp như năm ngoái thì cầm chắc lỗ”.

Theo ông Trần Linh Hoạt, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang: "Do thời tiết thay đổi, vải sẽ chín muộn hơn so với mọi năm và chín rộ vào một thời điểm nên thời gian thu hoạch sẽ ngắn. Giá bán chính vụ hiện nay chưa thể xác định được nhưng sẽ khó vượt quá 5.000 đồng /kg. Dù mức giá này cao hơn năm trước nhưng bà con khó có lãi do giá vật tư đầu vào tăng cao”.


Rải vụ, giải pháp tránh mất giá


Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải 2008. Nhiều giải pháp đã được đưa ra như tích cực tuyên truyền, quảng bá thương hiệu vải trên các phương tiện thông tin đại chúng, xúc tiến thương mại, tổ chức đoàn xúc tiến tiêu thụ vải tại một số nước như Trung Quốc, Lào, Campuchia… cũng như các tỉnh trong nước. Đặc biệt, cần tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia bảo quản, chế biến và tiêu thụ vải... Ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần phải khuyến cáo người trồng vải chăm bón, phòng trừ sâu bệnh đúng quy trình kỹ thuật để vải thiều đạt năng suất, chất lượng cao…

Hiện nay, tại nhiều nhà vườn ở Bắc Giang, vải chín sớm bắt đầu cho thu hoạch. Vì là chín sớm nên giá bán rất cao khiến nhiều nông dân vô cùng phấn khởi. Hộ ông Giáp Xuân Bân ở thôn Dốc (xã Phương Sơn - Lục Nam) có 0, 5ha với khoảng 200 gốc vải chín sớm. Những ngày này, thương lái tìm đến mua vải của gia đình ông khá đông. Giá bán tại vườn lên tới 16.000 đồng /kg mà “không có để bán”. Ông cho biết, đã gần chục năm nay, gia đình ông trồng vải chính vụ, năm nào cũng rơi vào cảnh “khóc dở mếu dở” vì giá quá rẻ. Cuối năm 2006, được sự giúp đỡ của Hội Làm vườn tỉnh, ông đã ghép toàn bộ giống vải chín sớm với chính vụ, năm nay là vụ thu hoạch đầu tiên, sản lượng khoảng 2 tạ quả. Với giá như hiện nay, gia đình ông cầm chắc hơn 3 triệu đồng. Theo ông Bân, vải chín sớm vừa được giá lại không phải lo tiêu thụ. Nếu có khách quen chỉ cần “alô” là xong.


Bắc Giang hiện có khoảng 100ha vải chín sớm với năng suất bình quân 3-5 tấn /ha. Ông Hoạt cho biết, kỹ thuật trồng vải chín sớm không khó, bất kỳ nhà vườn nào cũng có thể thực hiện được, chỉ sau 1 năm cây sẽ cho quả. Thời gian tới, HLV tỉnh sẽ phối hợp với các huyện Hội triển khai mô hình này nhằm đưa cây vải chín sớm phát triển với số lượng lớn hơn và chúng tôi cũng đang nghiên cứu để có giống chín muộn. Đây được xem là một trong những biện pháp giúp người trồng vải có đầu ra ổn định”.


Được biết, hiện nay tỷ lệ đặt sấy vải khô tại các lò đã chiếm tới 80%, nhiều thương lái cũng đã tìm tới các gia đình để đặt mua vải tươi. Tuy nhiên, tình cảnh vải ế ẩm như các năm trước vẫn đang là nỗi lo không chỉ của người trồng mà của cả các cấp lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.