Là 1 trong 5 xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc, trước đây, đời sống của người dân Nam Sơn còn gặp nhiều khó khăn. Xác định cây quýt là cây trồng mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo, những năm gần đây, giá trị kinh tế thu được từ cây quýt đã tạo cú hích cho sự phát triển của xã Nam Sơn.
Từ chỗ chỉ có ít diện tích nhỏ lẻ ở một số hộ gia đình, đến nay, toàn xã Nam Sơn đã có 309 hộ tham gia phát triển cây quýt, diện tích chuyên canh quýt được mở rộng lên trên 35 ha, xấp xỉ 32.000 cây, tập trung ở các xóm như: Xóm Bương, xóm Bái, xóm Rồ... Với nhiều loại như: Quýt dẹt bánh xe, quýt ngọt, quýt chua..., hiệu quả kinh tế bước đầu từ cây quýt truyền thống là khá lớn. Theo thống kê, đến cuối năm 2015, xã Nam Sơn đang có khoảng 15 ha diện tích quýt cho thu hoạch ổn định với giá trị bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Cùng với cây quýt, cây tỏi tía cũng đã dần được phát triển trên diện rộng tại Nam Sơn do có giá trị kinh tế cao. Bằng việc áp dụng phương pháp truyền thống, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hơn 2 ha trồng tỏi tía đã mang lại cho người dân Nam Sơn hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, thực hiện mục tiêu đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường, trên cơ sở sự giúp đỡ của cơ quan chuyên môn, đàn lợn bản địa (lợn Mường) ở Nam Sơn cũng đã có sự phát triển khá nhanh chóng. Vốn là vật nuôi truyền thống của đồng bào dân tộc, lợn bản địa chủ yếu được bà con chăn thả trong vườn nhà, trên đồi với các loại thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Hiện nay, với giá mua tại chuồng dao động từ 140 - 160 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 - 3 lần lợn thường, thu nhập từ phát triển đàn lợn truyền thống đã giúp nhiều hộ ở Nam Sơn thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững./.