00:00 Số lượt truy cập: 2670973

Nâng cao chất lượng vườn cây: Ghép chồi cải tạo vườn cà phê 

Được đăng : 03/11/2016

Thực trạng sản xuất cà phê trên địa bàn huyện Đăk Đoa tỉnh Gia Lai đang phải đối mặt với nhiều vấn đề: Một số diện tích trồng cà phê cho năng suất thấp do nhiều yếu tố, chất lượng cây giống không đảm bảo, người nông dân ít quan tâm đến kỹ thuật… 


Để giúp nông dân cải thiện chất lượng vườn cà phê, Phòng Kinh tế huyện đã triển khai Đề án ghép chồi cho những vườn cây không đảm bảo chất lượng ở các hộ gia đình dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Trước khi triển khai đề án, phòng Kinh tế đã đến từng xã họp dân, phổ biến cho bà con biết hiệu quả của việc ghép chồi cải tạo vườn cây để bà con trong xã đăng ký. Khi nghe cán bộ khoa học nói rõ những mặt lợi của việc ghép chồi, bà con đã đến nghe và đăng ký rất đông, có hộ đăng ký ghép 500 cây, hộ ít nhất cũng khoảng 50 cây. Đề án chọn 4 xã, trong đó  xã Đăk Kroong là có nhiều làng tham gia nhất (4 làng và 20 hộ).

Chồi ghép được lấy từ vườn cây giống của Trung tâm Nghiên cứu Thuỷ lợi và Nông nghiệp Tây nguyên. Đây là vườn cây giống chất lượng cao.

Chúng tôi đến vườn cà phê của anh Pưnh người Bahnar ở làng Đê Klanh, xã Đăk Kroong. Hộ này mạnh dạn đốn đi 200 gốc cà phê để được ghép chồi cải tạo thành cây cho năng suất cao. Anh Pưnh vui vẻ kể lại: "Được cán bộ mời đi tập huấn, nói cho biết có thể cải tạo vườn cà phê cho năng suất cao là mình đăng ký ngay. Họp về là mình cưa 200 gốc cây cà phê thời gian qua cho rất ít quả. Trước đây đi xem các vườn cà phê của mấy hộ người Kinh mà mình cứ thắc mắc nhưng không thể giải thích được tại sao cà phê nhà mình lại có ít quả. Giờ thì mình hiểu rồi. Đầu mùa mưa cưa gốc, để chồi mọc lên, mình để lại 2-3 chồi cho nó to, khoẻ. Cách đây 2 tuần cán bộ đến ghép chồi của cây khác vào cây cà phê nhà mình. Nó đã sống rồi đó. Sang năm, nó sẽ cho quả mình mừng lắm. Nếu cán bộ còn giúp nữa, mình sẽ cưa hết cả vườn luôn để cải tạo thành vườn cà phê cho thu hoạch cao."

Thấy chúng tôi đến vườn anh Pưnh thì anh Đinh Hmyơt nhà cạnh bên chạy sang. Anh Hmyơt tiếc rẻ: "Vì mình sợ nên mới chỉ đăng ký có 65 cây. Bây giờ thấy 65 gốc ghép lên xanh mới ân hận là trước đây chưa tin tưởng ở cán bộ lắm. Anh "Mập" (tên thường gọi của anh Pưnh) nó hay đi nên khôn hơn mình!"

Tuy chưa có quả để mà so sánh với cây cà phê cũ của gia đình, song các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở làng Đê Klanh đã ham mê với các tiến bộ khoa học, muốn học hỏi làm theo. Trước đây vì chưa có điều kiện, giờ thì được sự quan tâm của cán bộ phòng Kinh tế huyện đưa tiến bộ khoa học - công nghệ phục vụ đồng bào, ai cũng vui mừng và mong chờ kết quả. Đây là mô hình trình diễn để bà con người dân tộc thiểu số học hỏi lẫn nhau, áp dụng vào vườn cây kém phát triển, ít cho năng suất. Không chỉ có cây cà phê mà có thể áp dụng các cây trồng khác cho thu nhập cao hơn.

Trao đổi với anh Lê Tấn Hùng, cán bộ kỹ thuật phòng Kinh tế huyện Đăk Đoa cho biết: Ghép chồi cà phê là một biện pháp kỹ thuật rất dễ, hướng dẫn cho bà con làm thử là có thể làm được. Thấy vườn cà phê, hoặc cây cà phê nào quả nhỏ, không sai, hoặc có cà phê mít ít giá trị về kinh tế là bà con có thể đốn để ghép chồi của cây cà phê khác cho năng suất cao. Chỉ một năm sau là cho thu hoạch vượt trội cây cũ. Nều đào bỏ đi để trồng lại thì vừa tốn kém hơn lại lâu  cho thu hoạch.