00:00 Số lượt truy cập: 3230673

Nếp Thầu Dầu trên cánh đồng Úc Kỳ 

Được đăng : 03/11/2016

Nếp Thầu Dầu là giống lúa đặc sản của huyện Phú Bình, chuyên được dùng để làm bánh chưng, bánh dày, xôi dồi... cúng tiến trong lễ hội, rất dẻo và có mùi thơm, vị đậm.


Nhưng, do thời gian dài không được thanh lọc nên đã bị thoái hóa, huyện Phú Bình đang khôi phục lại giống lúa này trên đồng đất Úc Kỳ

Cuối tháng Mười, cánh đồng lúa nếp Thầu Dầu thuộc xã Úc Kỳ (Phú Bình) đã bắt đầu chuyển mầu vàng óng. Những bông lúa nặng hạt uốn mình cong vút lào xào trước gió thu gọi kỳ thu hoạch đang đến gần...

Chỉ tay dọc thửa lúa cao ngang bụng người, ông Dương Văn Ke, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Vụ mùa năm nay, xã đã thực hiện trồng 2ha giống lúa nếp Thầu Dầu, với 40 hộ tham gia, tập trung thành 1 khu thuộc xóm Múc để tiện cho việc theo dõi, kiểm tra quá trình sinh trưởng phát triển và tránh việc lẫn tạp các giống khác. Nếp Thầu Dầu là giống lúa đặc sản, từ những năm 1980 được trồng khá nhiều ở địa phương. Loại gạo này chuyên được dùng để làm bánh trưng, bánh dày, xôi dồi... rất dẻo và có mùi thơm, vị đậm. Nhưng, do thời gian dài không được thanh lọc nên từ năm 1990 trở lại đây, giống lúa này đã bị thoái hóa, những đặc trưng thơm, dẻo, đậm không còn được như trước và bị lẫn tạp dẫn đến có nhiều hạt cứng.

Để khôi phục lại giống lúa đặc sản này, năm 2007, huyện đã triển khai chương trình phục tráng giống lúa nếp Thầu Dầu tại xã Úc Kỳ. Ngay sau khi chương trình được triển khai, xã đã thành lập Ban quản lý Dự án gồm 5 đồng chí do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. có chức năng vận động nhân dân thực hiện, phổ biến kỹ thuật gieo cấy, thanh lọc. Đầu tiên lấy 20 mẫu giống thóc và cử ra 20 người có kinh nghiệm để bỏ phiếu chọn ra 2 mẫu chuẩn nhất về mầu sắc, kích cỡ, sau đó cho gieo mạ. Khi mạ lớn, thực hiện quá trình khử lẫn cỏ và các giống lúa khác. Đến khi cấy, lúa bén rễ tiếp tục quy trình khử lẫn bằng cách thấy cây nào khác thường thì nhổ bỏ. Khi lúa phát triển lại khử một lần nữa. Mục đích khử lẫn nhiều lần là để chọn ra giống lúa nguyên chủng, không bị pha trộn bởi các giống lúa khác.

Vụ đầu tiên, xã gieo trồng được 10 sào, với 6 hộ tham gia. Ông Dương Văn Vệ, xóm Múc cho biết: Năm 2007, gia đình tôi trồng 2 sào, năng suất đạt 175kg/sào, thu về được 2 tạ thóc, bán được gần 2 triệu đồng. Tính ra, cũng lãi gấp đôi các giống lúa khác. Vì cấy các giống lúa tẻ thì năng suất cũng chỉ tương đương trong khi giá 1 tạ thóc chỉ bán được khoảng 500 nghìn đồng, các giống lúa nếp khác cũng chỉ bán được 650-700 nghìn đồng/tạ. Cùng cách tính bài toàn kinh tế trên, chị Trần Thị Thuý cho biết thêm: Ngoài giá thành loại nếp này cao hơn các giống lúa khác, rơm của nó cũng có giá bán khá, mỗi sào cũng thu về thêm khoảng 300 nghìn đồng, trong khi rơm tẻ thì bán rẻ hơn rất nhiều, vì vậy vụ mùa năm nay, gia đình chị đã đăng ký cấy 3 sào lúa nếp Thầu Dầu.

Cũng bởi lúa nếp Thầu Dầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại rất phù hợp cấy vào thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 nên vụ mùa muộn năm 2008, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia gieo cấy và được đông đảo nhân dân hưởng ứng.

Hiện nay, lúa phát triển rất tốt và đang bắt đầu chín, năng suất ước đạt 180kg/sào, dự kiến từ nay đến trung tuần tháng 11 sẽ cho thu hoạch. Đồng chí Dương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã nói: Hy vọng chương trình phục tráng giống lúa nếp Thầu Dầu của địa phương sẽ làm sống lại một vùng lúa đặc sản và quy mô của nó sẽ ngày càng mở rộng để không những nhân dân trong xã mà người dân các địa phương khác cũng được thưởng thức món ăn ngon từ gạo nếp Thầu Dầu.