00:00 Số lượt truy cập: 3228369

Ngành Bông Gia Lai: "Củ khoai" đi kiện… 

Được đăng : 03/11/2016
Càng trồng… càng nợ

Ông Nguyễn Văn Cường ở thôn 6, xã An Trung (Kông Chro-Gia Lai) có 8 ha bông vải. Qua 2 vụ 2004-2005-2006 gia đình ông Cường đã mắc nợ Chi nhánh là 36.120.000 đồng. Cố gắng vớt vát qua 2 vụ mùa thất bát và ngược xuôi vay nhờ bà con, ông đã trả được 15.622.000 đồng, còn nợ 20.498.000 đồng đã quá hạn gần 1 năm nhưng không có khả năng thanh toán. Hơn một năm nay ông Cường nhiều lần phải trốn chui, trốn nhủi vì bị Chi nhánh Cty Bông và chính quyền xã gọi lên giải quyết công nợ, gửi trát đòi nợ, lập hồ sơ dọa kiện ra tòa dân sự….


Riêng trong thôn 6 của ông Cường đang ở có đến 5 gia đình khác như các ông: Nguyễn Bá Diện, Nguyễn Đồng Quang, Trần Văn Hùng, Lê Thế Oai, Nguyễn Văn Tiến…mỗi nhà nợ từ 13,7 đến 18,4 triệu đồng khó có khả năng hoàn trả. Chỉ tính vụ bông 2005-2006, toàn xã An Trung-nơi từng được xem là vựa bông của "thủ phủ bông Kông Chro-Gia Lai" có 153 hộ trồng bông đã mắc nợ Cty 668,316 triệu đồng…

Anh Hoàng Khắc Năm –Phó trưởng Trạm sản xuất bông Kông Chro cho biết, trong 2 vụ bông 2004-2005 và 2005-2006, toàn huyện Kông Chro có 1.392 hộ nông dân nợ tiền đầu tư của Chi nhánh hơn 3 tỷ đồng (trong đó, vụ 2005-2006 có 732 hộ nợ gần 2 tỷ đồng). Còn theo tính toán của Chi nhánh Cty Bông Gia Lai, tính chung trong 2 vụ bông vừa qua, toàn tỉnh có gần 5.000 hộ nông dân mắc nợ với khoảng 5 tỷ đồng. Mặc dù đơn vị đã giãn nợ cho dân trong thời gian 1 năm, thế nhưng số nợ xấu này đã quá hạn hơn 1 năm mà nông dân không có khả năng chi trả.

Tình trạng mất mùa, mất giá, nợ nần đã khiến hàng nghìn nông dân ở các huyện bỏ cây bông chuyển sang trồng các loại cây có giá hơn như mì, ngô… Diện tích vùng nguyên liệu nay chỉ còn 3.672 ha, giảm 2.525 ha so với vụ trước (gần 50% diện tích). Tình trạng trên đã làm sản lượng bông vụ này ước chỉ đạt khoảng 5.000 -6.000 tấn bông hạt (giảm khoảng 50% vụ trước).

"Củ khoai" đi kiện (!)

Ông Trương Công Duyệt –Giám đốc Chi nhánh Cty TNHH Nhà nước một thành viên Bông Việt Nam tại Chư Sê (Gia Lai) cho biết: Thực hiện quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về "Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng", ngay từ đầu vụ, Chi nhánh đã cam kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân, và đầu tư cho họ giống, phân bón, thuốc trừ sâu, hướng dẫn kỹ thuật…. Trước khi thu hoạch 1 tháng, Chi nhánh thông báo giá hợp đồng thu mua bông theo giá thị trường. Những việc làm này đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất. Thế nhưng, do thiên tai mất mùa nên người dân nợ đọng vốn đầu tư, không có khả năng chi trả, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của Chi nhánh.

Trong 2 năm qua, hơn 40 cán bộ Trạm sản xuất bông trực thuộc Chi nhánh cài cắm ở các huyện luôn túc trực dưới làng, xã để đốc thúc nông dân trả nợ, nhưng tiến trình thu hồi nợ chẳng mấy sáng sủa. Đơn vị chỉ thu hồi được chưa đến 500 triệu đồng; gần 5.000 hộ dân vẫn còn nợ hơn 5 tỷ đồng. Đáng chú ý, có nhiều hộ nợ đọng số tiền khá lớn, mặc dù họ có khả năng chi trả nhưng lại dây dưa tìm cách xù nợ. Anh Hoàng Khắc Năm –Phó trưởng Trạm sản xuất bông Kông Chro nói: Nhiều nông dân còn gian lận bằng cách tẩu tán bông của mình cho người khác để bán lại cho Chi nhánh sau đó viện lý do mất mùa, không có sản phẩm nên không chịu trả, trốn nợ…. Ông Duyệt cho biết thêm, Chi nhánh đã từng lập hồ sơ chuẩn bị khởi kiện ra tòa dân sự một số nông dân ở huyện Kông Chro nợ nhiều, dây dưa cố tình không trả. Nhưng xét cho cùng thì chuyện "Củ khoai" đi kiện rồi cũng dễ gánh thất bại như Nhà máy Mía đường Ayun Pa (Gia Lai) khởi kiện nông dân mấy năm trước. Nên thôi…

Chính quyền giúp được gì cho dân và DN?

Anh Hoàng Khắc Năm – Phó trưởng Trạm sản xuất bông Kông Chro nói: Khi hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng bông có cả chính quyền tham gia, xác nhận. Thế nhưng, người dân hoặc cố tình trốn nợ hoặc vì không có khả năng chi trả nên đơn vị đã gửi giấy mời họ lên chính quyền để ký cam kết trả nợ nhiều lần, kể cả giãn nợ nhiều lần mà họ cũng không chịu trả. Còn phía chính quyền địa phương dù có nhiệt tình lắm cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động người dân lo trả nợ mà thôi.

Ông Phan Văn Trung –Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro phân trần: Phía UBND huyện chỉ giúp được DN chỉ đạo chính quyền các xã đốc thúc người dân trả nợ. Đồng thời can thiệp với Chi nhánh Cty Bông giãn nợ cho các hộ do mất mùa khó có khả năng chi trả. Còn người dân do bị tác động mạnh của cơ chế thị trường nên họ tự phá bỏ cây bông để chuyển qua trồng sắn, ngô có giá và thu nhập cao hơn, mà nhiều khi sự chỉ đạo vụ mùa, cơ cấu cây trồng của chính quyền và ngành chuyên môn cũng bị phá vỡ…