Dịch lợn “tai xanh” hoành hành tại 117 xã thuộc 7 huyện của tỉnh Nghệ An làm thiệt hại gần 8.500 con lợn chưa đi qua thì nông đân tỉnh này lại đối mặt với dịch LMLM đang bùng phát và lây lan nhanh tại 3 huyện Quỳnh Lưu, Tương Dương và Quỳ Châu.
Ông Lô Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Ngày 11/4, bà con bản Canh, xã Nga My phát hiện một con bò của gia đình chị Lương Thị Kháy bị ngã chết trong rẫy. Thấy cả 4 chân con bò đều bị lở loét, móng bị long ra, họ tưởng bò bị dẫm phải lửa người dân đốt rãy nên không ngần ngại làm thịt mang về chia nhau ăn. Nhưng 3-4 ngày sau, khi thấy 4 con bò trong bản Canh có cùng triệu chứng chảy nước dãi, chân bị lở loét giống con bò nhà chị Kháy thì họ mới tá hoả gọi cán bộ thú y…
Bà Lang Thị Hồng, PCT UBND huyện Quỳ Châu cũng cho biết: Ngày 5/5, cán bộ thú y xã Châu Phong báo về huyện tình hình trâu bò tại địa phương bị LMLM đang diễn biến phức tạp. Ngay lập tức huyện thành lập đoàn công tác vào xác minh thì được biết tại 4 bản (bản Luồng, bản Đôm 1, bản Đôm 2 và bản Ban 1) đã có 8 con bò bị bệnh LMLM. Tiếp đó chúng tôi lại nhận được báo cáo của UBND xã Châu Bình cho biết tại bản Bình Quang có 1 con bò và 4 con lợn bị bệnh LMLM. Cho đến 17 giờ chiều 17/5, toàn huyện đã có 126 con trâu, bò và 8 con lợn bị nhiễm bệnh LMLM. Đáng lo là thói quen thả rông trâu bò đang trở thành nguy cơ số 1 uy hiếp đàn bò của huyện…
Từ thị trấn Hoà Bình vượt chặng đường liên xã dài 75km len lỏi giữa điệp trùng núi cao, vực sâu và khe suối chằng chịt, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được bản Canh, nơi được xem là “điểm nóng” nhất về dịch LMLM tại huyện Tương Dương. Ông Lý Văn Chu, trú tại bản này ca thán với các phóng viên: “Ta mới nhận bò dự án hỗ trợ hộ nghèo 70% hồi đầu tháng 4/2008. Khi nhận bò về ta đã thấy nó bị loét ở chân. Tưởng đưa từ dưới xuôi lên, đường xa đứng lâu trên xe ôtô nên chân nó mới bị thế. Ô chà! Ta đã vào rừng tìm lá thuốc đắp chân cho nó nhưng không được à. Đã 20 ngày rồi mà bệnh nó vẫn không khỏi. Không riêng nhà ta đâu, hiện trong bản ta có tới 20 con bò đều bị bệnh như thế cả đấy”.
Chị Kha Thị Uyển (bản Canh) lo lắng: Nhà ta nuôi gần hai chục con cả trâu bò. Giờ trâu bò trong bản bị bệnh này hết cả rồi. Nếu cứ đào hố chôn hết thì nhà ta mất hết cả đàn trâu bò thôi. Khổ lắm… |
Khi được hỏi bò dự án đưa về đây thuộc dự án nào thì bà con dân bản đều lắc đầu không biết. Ông Trần Minh Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nghệ An cho hay, “dự án” đưa bò về cho các huyện có thể là nguồn đầu tư của nhà nước nhằm thực hiện chính sách trợ cước, trợ giá các mặt hàng chính sách của tỉnh (?!)
Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm hiểu tại Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thì ông Vương Đình Lập, Trưởng phòng Chính sách cho biết: Nguồn chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc khu vực đặc biệt khó khăn có từ rất nhiều đầu mối khác nhau. Từ các dự án phi chính phủ, dự án thuộc chương trình 135, chương trình ĐCĐC và cả nguồn trợ cước, trợ giá các mặt hàng chính sách… Riêng việc phân bổ kinh phí trợ giá, trợ cước năm 2008 cho đến nay chưa thực hiện. Tuy nhiên, kể cả khi được duyệt thì nguồn kinh phí sẽ được Sở Tài chính cấp thẳng về huyện. Huyện tự lập phương án mua con gì, cây gì trình các ngành phê duyệt. Còn việc mua ở đâu, mua như thế nào là do huyện quyết định...
Nói như ông Lập thì không biết "bò chính sách" của huyện Tương Dương ở đâu ra?