Ông Nguyễn Xuân Yêm, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nghệ An cho biết, những năm gần đây, Nghệ An là địa phương thường xảy ra dịch cúm gia cầm, trước thực tế đó, Chi cục Thú y tỉnh vừa đề nghị tỉnh Nghệ An và Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho duy trì Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia cầm các cấp trên phạm vi toàn tỉnh suốt các tháng trong năm để có thể triển khai nhanh chóng việc khống chế và dập tắt dịch bệnh ở gia cầm.
Tại Nghệ An, việc phòng chống dịch cúm gia cầm đang tồn tại nhiều bất cập, đó là tỷ lệ tiêm phòng hàng năm chưa cao, tiến độ tiêm phòng ở các địa phương kéo dài; một số địa phương ý thức của người chăn nuôi về công tác phòng chống dịch bệnh chưa cao, không chịu tiêm phòng cho vật nuôi; vẫn còn tình trạng vứt xác chết gia cầm bừa bãi làm lây lan dịch bệnh. Trong khi diễn biến dịch bệnh gia cầm ngày càng phức tạp, Nghệ An lại là tỉnh có tổng đàn gia cầm lớn nhưng biên chế ngành thú y còn hạn chế. Hiện, tại các huyện miền núi trong tỉnh, mỗi trạm chỉ có 3 định biên; các huyện đồng bằng, mỗi huyện 4 định biên. Do vậy, liên tiếp từ ngày 7/5/2007 đến nay, tại Nghệ An đã xuất hiện dịch cúm gia cầm tại các xã Diễn Thọ (huyện Diễn Châu), thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên), xã Nghi Hoa (huyện Nghi Lộc), xã Văn Thành, Nhân Thành (huyện Yên Thành).
Tỉnh Nghệ An đang đề ra mục tiêu khống chế, không để bệnh cúm gia cầm tái phát, tiến tới thanh toán bệnh cúm gia cầm. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh nâng cao chất lượng việc tiêm phòng, giám sát dịch bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về các dịch bệnh gây ra với gia cầm. Từ năm 2007 trở đi, tỉnh thực hiện tiêm phòng định kỳ 2 vụ/năm trên đàn gia cầm tại 100% số xóm trong tỉnh; tại các vùng trước đây đã xuất hiện dịch, mỗi năm tổ chức 3 đến 4 đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng. Tỉnh cũng duy trì hoạt động 3 trạm kiểm dịch động vật đặt tại Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu), Bến Thuỷ (Thành phố Vinh) và cửa khẩu Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn)./.