00:00 Số lượt truy cập: 2676472

Nghệ An : Phát triển hiệu quả các trang trại chăn nuôi 

Được đăng : 03/11/2016

Tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2010, mức tăng trưởng số lượng trang trại chăn nuôi đạt 30%/năm, tỷ trọng sản phẩm hàng hoá chăn nuôi từ trang trại chiếm 40% trong tổng sản phẩm của ngành chăn nuôi; ít nhất 40% số trang trại chăn nuôi có lãi với mức trên 50 triệu đồng/năm.


Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đề ra các giải pháp trong quy hoạch phát triển trang trại, cung ứng giống, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi. Đối với giống phục vụ chăn nuôi, tỉnh chủ trương tiếp tục sử dụng con giống có năng suất, chất lượng cao. Riêng giống lợn, sẽ thực hiện chương trình nạc hoá giống lợn theo phương thức nuôi lợn ngoại và tăng dần tỷ lệ máu ngoại trên đàn lợn lai cải tiến và lai cấp tiến. Đối với gia cầm, nhập nuôi các giống cao sản từ các cơ sở sản xuất giống của Trung ương, từng bước xây dựng các trang trại sản xuất giống gia cầm tại chỗ. Tỉnh cũng khuyến khích thành lập các hiệp hội trang trại chăn nuôi, hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức này tiếp cận với các nguồn vốn và thị trường tiêu thụ. Hiện, mô hình chăn nuôi lợn của Công ty Thái Dương (huyện Đô Lương) đang được tỉnh nhân rộng. Công ty Thái Dương đã đầu tư trang trại có quy mô trên 1.000 con lợn nái ngoại, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, trong nhiều năm qua không những cung cấp con giống cho các hộ nuôi mà còn xây dựng các vệ tinh nuôi lợn thịt tại các địa phương trong tỉnh.

Ông Lưu Công Hoà, Giám đốc Trung tâm giống chăn nuôi Nghệ An cho biết, tỉnh Nghệ An hiện có 259 trang trại chăn nuôi; trong đó có 126 trang trại nuôi bò, 71 trang trại nuôi lợn, 22 trang trại nuôi gia cầm và 40 trang trại nuôi trâu. Chăn nuôi trang trại tại Nghệ An đang tồn tại nhiều bất cập, như phát triển thiếu quy hoạch; trang trại xây dựng manh mún, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung; trình độ chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất của hầu hết các chủ trang trại còn thiếu. Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư phát triển trang trại là rất lớn, nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn của các chủ trang trại hạn chế; trên địa bàn tỉnh, hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi chưa phát triển bền vững. Những bất cập này đang được tỉnh tập trung khắc phục./.