Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An Nguyễn Thọ Cảnh cho biết: Năm nay nông nghiệp Nghệ An gặp muôn vàn khó khăn nhưng bà con nông dân vẫn cấy vượt diện tích, giống lúa lai, lạc, ngô vẫn được duy trì. Dự kiến tổng sản lượng lúa đông xuân đạt hơn 530.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay; năng suất lạc, ngô cũng hơn hẳn vụ trước. Theo báo cáo từ ngành thống kê năng suất lúa đạt hơn 61 tạ/ha cao nhất các tỉnh phía bắc.
Theo ông Từ Kim, Trưởng phòng kỹ thuật Sở NN-PTNT Nghệ An, vào sản xuất vụ đông xuân 2008, rét đậm, rét hại kéo dài suốt 38 ngày làm gần 35 nghìn ha lúa cấy trước và sau Tết Nguyên đán ở những vùng lúa trọng điểm như Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Ðô Lương và Yên Thành... chết. Mặt khác cũng trong vụ này, Nghệ An phải công bố sâu bệnh. Ðây là điều chưa từng có từ trước đến nay. Nặng nhất là sâu cuốn lá nhỏ, sâu khoang, sâu xanh hại lúa, lạc, ngô. Những diễn biến xấu do thời tiết, lúa chết rét, sâu bệnh gây hại làm cho ngành nông nghiệp hết sức lo lắng. Sở NN-PTNT đã xác định, khắc phục kịp thời vụ xuân trong tình trạng thiếu giống trầm trọng và sắp hết thời vụ gieo trồng là nhiệm vụ cấp bách số một.
Với nhận thức, không để ruộng bị bỏ hoang, lãnh đạo Sở NN- PTNT Nghệ An đã tổ chức rất nhiều cuộc họp khẩn cấp để quán triệt tinh thần chỉ đạo của tỉnh đến chính quyền các cấp. Nhiệm vụ cấp bách nhất là bám sát biến động của thời tiết, cử cán bộ bám cơ sở chỉ đạo nông dân. Ðể kịp thời cung ứng đủ giống, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, sở còn mạnh dạn vận động khuyến khích các doanh nghiệp cùng ra tay cung ứng giống lúa. Giúp sức đắc lực nhất về giống cho bà con nông dân Nghệ An khắc phục số diện tích chết rét vừa qua là Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An với hơn 640 tấn giống lúa lai.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở chỉ sau hơn hai tuần Nghệ An đã gieo cấy lại toàn bộ diện tích lúa chết rét, nâng tổng diện tích lúa vụ xuân của Nghệ An lên gần 85 nghìn ha, trong đó hơn 50 nghìn ha lúa lai, vượt hơn hai nghìn ha so với kế hoạch. Tiếp đó phải kể đến những khó khăn do sâu bệnh, nhưng nhờ chỉ đạo quyết liệt nên đã vượt qua được trận dịch rầy nâu, rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ trên diện rộng vào dịp cuối tháng 4 đầu tháng 5, khi 49 nghìn ha lúa bị sâu cuốn lá nhỏ và 52 nghìn ha lúa bị rầy nâu, khoảng 60% diện tích lúa bị nhiễm bệnh. Lực lượng cán bộ Bảo vệ thực vật từ tỉnh đến cơ sở được huy động bám sát chỉ đạo các địa phương phòng, chống dịch bệnh.
Ðến Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, bà con nông dân đang thu hoạch lúa cho biết, khác với nhiều vụ trước, vụ này lúa chín muộn hơn vài tuần nhưng ruộng nào cũng bông sai hạt mẩy. Tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu là nơi bị thiệt hại nặng nhất trong đợt rét vừa qua với hơn 90% diện tích phải gieo cấy lại, dự tính năng suất đạt bình quân hơn 70 tạ/ha, có gia đình cấy giống lúa Khải phong đạt 470 kg/sào. Chủ tịch UBND xã Chu Duy Phong, cho biết, để bội thu, cán bộ nhân dân phải gồng mình chống chọi với rét. Sau Tết, tất cả cán bộ, các ban, ngành đã tỏa về các xóm tuyên truyền vận động bà con chủ động bổ sung kịp thời cho sản xuất và thực hiện các biện pháp kỹ thuật. Bây giờ Diễn Trường trở thành địa phương dẫn đầu về năng suất lúa của huyện Diễn Châu với sản lượng thóc dự kiến đạt hơn 3.200 tấn.
Tại huyện Ðô Lương cũng không thua kém Diễn Châu. Kỹ sư Nguyễn Công Châu nói: "Ðô Lương cũng là một trong những huyện thiệt hại do rét khá nặng nề. Gần bốn nghìn ha lúa gieo thẳng bị xóa sổ phải gieo cấy lại trong điều kiện thời vụ ngặt nghèo, giống khan hiếm.
Chia sẻ khó khăn với bà con, ngoài chính sách của tỉnh, huyện trích 430 triệu đồng để trợ giúp 5.000 đồng/kg giống lúa lai và 2.000 đồng/kg giống lúa thuần và đã mua về 145 tấn lúa lai ngắn ngày cho bà con vay ứng trước. Huyện cử hơn 100 cán bộ xuống các xã chỉ đạo sản xuất khắc phục hậu quả của đợt rét đậm. Một số nơi chỉ đạo kém để dân gieo thẳng chết lúa, lãnh đạo xã phải chịu kỷ luật cảnh cáo, khiển trách. Thái độ chỉ đạo kiên quyết đã giúp Ðô Lương không chỉ cấy hết diện tích mà còn tập trung đầu tư thâm canh, đẩy mạnh phòng trừ sâu bệnh, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng. Qua điều tra của bốn đoàn liên ngành, năng suất dự kiến đạt 65 tạ/ha, vượt vụ xuân năm ngoái 8 tạ/ha, sản lượng 4,9 vạn tấn. Nhiều xã có năng suất vượt trội như Ðặng Sơn đạt 70 tạ/ha, Lưu Sơn 70,1 tạ/ha, Thuận Sơn 69 tạ/ha. Ngoài lúa, cây ngô cũng được mùa năng suất gần 50 tạ/ha.
Chị Nguyễn Thị Bình, xóm 6A, xã Hưng Ðạo, huyện Hưng Nguyên cho hay, gia đình sản xuất ba sào, bị rét chết hết phải cấy lại bằng giống Q.Ưu1, Việt lai và khang dân nguyên chủng vừa thu hoạch hơn một tấn, tính ra sau khi trừ các khoản còn lãi gần ba triệu đồng. Kỹ sư Lê Văn Lương, chuyên gia trồng trọt Phòng Kỹ thuật Sở NN-PTNT cho hay, giá thóc trên thị trường đang dao động trong khoảng từ 5.500-8.000 đồng/kg, với năng suất và mức đầu tư của bà con như hiện nay (tám tấn phân chuồng, 240 kg u-rê, 200 kg lân, 500 kg NPK, 120 kg kali/ha...), trung bình mỗi ha lãi ròng 16-20 triệu đồng. Theo đánh giá bước đầu, vụ xuân 2008 này là vụ sản xuất gặp khó khăn nhiều mặt nhưng là vụ sản xuất được mùa khá toàn diện.
Toàn tỉnh gieo cấy hơn 84 nghìn ha lúa, hơn 15 ha ngô và 18.121 ha lạc, năng suất lúa dự kiến 61,9 tạ/ha, ngô 42,2 tạ/ha và lạc 23,9 tạ/ha. So với vụ xuân năm 2007, năng suất lúa tăng hơn ba tạ/ha, lạc tăng gần hai tạ/ha.
Ðược mùa, được cả về giá trong vụ xuân đã tạo đà cho bà con trong tỉnh phấn khởi đẩy mạnh sản xuất vụ hè thu. Phương án sản xuất hè thu năm nay của các địa phương được chuẩn bị sớm và chu đáo. Ứng phó vụ xuân thu hoạch muộn, quỹ thời gian sản xuất hè thu ít, để bảo đảm kịp thời vụ, tránh sự đe dọa của bão lụt, các địa phương đã hướng dẫn bà con đưa các giống lúa cực ngắn vào sản xuất như: QT2, Q.Ưu1, Khải phong số 7, Vật tư NN.NA và tổ chức gieo mạ sớm để cấy. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà con nông dân vừa thu hoạch lúa xuân đến đâu vừa làm đất gieo cấy lúa hè thu đến đó. Ở các vùng chạy lụt của huyện Yên Thành, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nam Ðàn, v.v. hôm qua ruộng còn tươi mầu lúa xuân, nay cây lúa hè thu đã tỏa xanh giữa thời vụ kép.