00:00 Số lượt truy cập: 2679215

Ngọc Lặc nhân rộng mô hình mía bãi, mía ruộng 

Được đăng : 03/11/2016
Những năm gần đây, nhờ khai thác tốt tiềm năng đất đai để trồng mía nguyên liệu, kinh tế nhiều địa phương ở huyện Ngọc Lặc (Thanh Hoá) đã phát triển khá, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Chị Nguyễn Thị Hiệp, trưởng phòng nông nghiệp huyện, cho biết: qua gần 20 năm, diện tích cây mía ở Ngọc Lặc đã khá ổn định. Hằng năm, giống mía mới được đưa vào sản xuất nhiều hơn. Đến nay, cây mía đã thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn trên địa bàn toàn huyện. Nhằm chuyển dịch cơ cấu giống, nâng cao tỷ lệ mía chín sớm, đạt năng suất cao, chất lượng tốt, tăng thu nhập cho người trồng mía và kéo dài thời gian chế biến, vụ mía năm 2006 - 2007, huyện Ngọc Lặc phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn đưa vào xây dựng hơn 40 ha mô hình giống mía Quế Đường 93159 và ROC 10 năng suất cao trồng trên đất bãi, đất 1 vụ lúa. Anh Vương Thành Nam, thôn Minh Châu I, xã Minh Sơn, một nông dân có kinh nghiệm trồng mía lâu năm, đã 3 lần được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen, cho biết: Năm nay gia đình anh đưa vào trồng 10 ha giống mới trên đất bãi, đất ruộng. Công ty hỗ trợ làm đất bằng máy, cung ứng vật tư, phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật,v.v... Đến nay, do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật thâm canh, cây mía phát triển tốt, khả năng phòng bệnh cao, năng suất ước đạt hơn 90 tấn/ha. Anh Hà Ngọc Sơn, thôn Thọ Phú, xã Kiên Thọ, trồng 6 ha giống mía mới như: Quế Đường 93159 và ROC 10, tâm sự: Gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình anh đã tận dụng nguồn quỹ đất cấy một vụ lúa, trồng mía giống mới có tiềm năng năng suất cao, thu hoạch năng suất đạt khá gấp 1,5 lần so với giống mía thường. Nhờ đó, gia đình anh lãi hơn 50 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, hầu hết các gia đình đều gặp khó khăn, do diện tích manh mún, nguồn nước tưới chưa chủ động...

Để tạo ra sản phẩm hàng hóa bền vững từ sản xuất thâm canh cây mía, đảng bộ, chính quyền huyện Ngọc Lặc đã xác định, mía là cây trồng chủ lực của địa phương, phát triển sản xuất cây mía đồng nghĩa với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động. Từ đó, huyện đã có các chủ trương, chính sách khuyến khích nông dân thực hiện dồn điền, đổi thửa, nhanh chóng thay đổi cơ cấu bộ giống mía, đưa các giống mía ngắn ngày đạt năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, hạn hán tốt vào thâm canh, sản xuất. Mặt khác, tổ chức tuyên truyền cho nông dân, ngoài sử dụng nguồn phân vô cơ của nhà máy, cần sử dụng thêm nguồn phân chuồng để bón lót, tăng độ ẩm, chất dinh dưỡng cho đất, tạo điều kiện cho mía phát triển, năng suất cao, bảo đảm khai thác đất được lâu dài. Bên cạnh đó huyện tăng cường phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trồng, thâm canh cho tất cả các hộ trồng mía, giúp nông dân áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật vào thâm canh, sản xuất; nâng cao chất lượng các dịch vụ làm đất; các phương án phòng trừ sâu bệnh hại mía; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý cho các xã, thôn, giúp các địa phương mở rộng các mô hình HTX dịch vụ mía kiểu mới; tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa nhân dân và chủ thầu để bảo đảm khâu tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm sản xuất. Ngoài ra, phía công ty còn có chính sách hỗ trợ vốn, chia sẻ với nông dân lúc rủi ro. Nhiều địa phương có diện tích, sản lượng mía lớn được hỗ trợ xây dựng đường giao thông, xây dựng các mô hình sản xuất mía gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hai bên cùng có lợi, nhằm thắt chặt thêm quan hệ giữa “4 nhà” ở vùng trồng mía.