Như tin đã đưa, ngày 1-6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 8 tỉnh ĐBSCL và các cơ quan liên quan để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm cá tra, cá ba sa. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo ngân hàng cho doanh nghiệp chế biến cá vay vốn để thu mua cá của nông dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Giá vẫn còn thấp
Tại Đồng Tháp, khoảng 10 doanh nghiệp thu mua cá tra, cá ba sa chỉ với giá “nằm yên” khoảng 13.800- 14.000 đồng/kg nhưng cũng không mặn mà lắm. “Nghe thông tin Phó Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn mua cá tra, cá ba sa của nông dân, chúng tôi mừng lắm. Đã hơn một tuần nay, chúng tôi năn nỉ doanh nghiệp mua cá , nhưng chẳng có kết quả. Hiện nay nông dân nuôi cá chúng tôi như "ngồi trên lửa", chỉ biết chờ doanh nghiệp đến thu mua” - ông Phan Tấn Kết, một nông dân nuôi cá ở huyện Lấp Vò - Đồng Tháp, bộc bạch. Trong các hầm nuôi của ông Kết hiện còn khoảng 400 tấn cá. Mỗi ngày ông phải mua 7-8 tấn thức ăn cho cá (khoảng 60 triệu đồng).
Trong khi đó, tại huyện Châu Phú - An Giang, giá cá tra, cá ba sa đã có những chuyển biến tích cực hơn, dù còn khá khiêm tốn. “Ngày 3-6, giá cá tra đã tăng khoảng 200- 300 đồng/kg. Có nông dân bán cá được giá 14.600 đồng/kg, nhưng phải là cá rất tốt” - anh Nguyễn Phước Thành, nông dân nuôi cá tra ở Châu Phú, cho biết.
Nhiều nông dân tin tưởng chắc chắn trong vài ngày tới, giá cá tra, cá ba sa sẽ tiếp tục nhích lên. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng với giá cá phi lê xuất khẩu chưa tới 3 USD/kg, các doanh nghiệp sẽ khó dám mua cá tra nguyên liệu trên 15.500 đồng/kg. “Chỉ cần doanh nghiệp thu mua với giá 15.000 đồng/kg, nông dân chúng tôi đã mừng lắm rồi”. Trong khi đó, theo tính toán của nhiều nông dân, với vốn cá giống, giá thức ăn, thuốc men, nhân công chăm sóc..., giá thành cá tra đã ở mức 16.000 đồng/kg.
Nông dân còn lỗ
Ông Võ Văn Đời, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết sản lượng cá tra, cá ba sa ở Cần Thơ hiện còn tồn đọng khoảng 50.000 tấn. Trong ngày 2-6, đã có 4 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra có uy tín đăng ký vốn để hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân.
Theo ngành thủy sản An Giang, từ nay đến hết quý III/2008, toàn tỉnh còn khoảng 70.000 tấn cá tra, cá ba sa. Trong đó, hiện cá quá kích cỡ lên đến 20.000 tấn. Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA), cho biết trong ngày 2- 6, Công ty Nam Việt và Công ty Agifish, hai đơn vị đại diện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở An Giang, đã đứng ra đăng ký vay khoảng 450 tỉ đồng để tiêu thụ 30.000 tấn cá còn tồn đọng trong dân. Giá sàn mà hai doanh nghiệp này đưa ra là 14.000 đồng/kg. Với mức giá này, ông Danh cho rằng nông dân vẫn lỗ nhưng nhẹ hơn chút ít.
Ngân hàng sẵn sàng cung ứng vốn Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ngân hàng Nhà nước đã lập tức chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai ngay cho các doanh nghiệp vay vốn để giải quyết đầu ra cho người nuôi cá. Ông Tạ Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước, cho biết trước mắt, Ngân hàng NN-PTNT đã sẵn sàng 1.000 tỉ đồng vốn cho doanh nghiệp 8 tỉnh ĐBSCL, trong đó An Giang và Đồng Tháp mỗi tỉnh được vay 200 tỉ đồng, 6 tỉnh còn lại mỗi tỉnh 100 tỉ đồng. Các doanh nghiệp muốn được hỗ trợ vốn cần phải liên hệ với chi nhánh ngân hàng này tại địa phương. Dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị mỗi tỉnh chọn ra 2 doanh nghiệp có uy tín, gửi ngay danh sách vào ngày 2-6, nhưng theo ông Khánh, Ngân hàng Nhà nước mới nhận được danh sách 5 doanh nghiệp của 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang. T.Giang |
Không nên tập trung nuôi quá ồ ạt Chủ tịch AFA Phan Văn Danh nhận xét nếu tập trung nuôi quá ồ ạt sẽ dẫn đến việc sản lượng cá không thể tiêu thụ hết nên giá cả thấp. Thời điểm thả nuôi cá tốt nhất là từ nay đến tháng 9, 10. “Đã xác định cá tra, cá ba sa là một trong những mặt hàng chiến lược của quốc gia thì Nhà nước cần quan tâm và ưu tiên hơn nữa đối với chuyện cung- cầu của loài cá da trơn này”- ông Danh đề nghị. Về lâu dài, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ Võ Văn Đời cho rằng Nhà nước cần phải có quy hoạch cụ thể việc nuôi trồng thủy sản, căn cứ theo điều kiện, môi trường của từng địa phương. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep) cũng cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi; phải thường xuyên cùng các doanh nghiệp, nông dân và nhà sản xuất ngồi lại với nhau để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, theo ông Đời, vấn đề về tiêu chuẩn, chất lượng con giống hiện nay cũng cần phải đặc biệt chú trọng. |