Ngọt ngào hành tỏi Nam Trung
Được đăng : 03/11/2016
Mặc dù Nam Sách đã trở thành một trong những khu công nghiệp lớn của tỉnh Hải Dương, nhưng những người nông dân ở đây vẫn không ngừng tận dụng thế mạnh của đất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp rất đỗi bình dị từ củ tỏi đến lá hành, càrốt, bí ngô, bí đao...
Sự đổi mới rõ nét nhất trong bức tranh kinh tế - xã hội của huyện là xã Nam Trung - nơi đã hình thành làng nghề chế biến nông sản thu hút gần 100% hộ dân tham gia. Đặc biệt, ở đó đã có những người nông dân đưa được thương hiệu hành, tỏi quê hương vượt ra khỏi luỹ tre làng.
Từ “Thuý tỏi”...
Trên đường quốc lộ 183, gần ngã ba lối rẽ vào làng gốm cổ Chu Đậu nổi tiếng của Hải Dương, có một nhà hàng mang tên Gió Nam. Du khách qua đây thường ghé lại không chỉ đơn thuần thưởng thức món gà được chế biến khá đa dạng, mà còn tìm đến gặp bà chủ nhà hàng Lê Thị Thuý, đồng thời cũng là Giám đốc Cty TNHH Hanh Thuý để ký hợp đồng mua bán các sản phẩm nông sản đã qua chế biến. Song nếu không hẹn trước cũng khó lòng gặp được chị, người vốn nổi danh với biệt hiệu “Thuý tỏi”.
Kể lại câu chuyện từ khi về làm dâu xã Nam Trung, chị Thuý không khỏi chạnh lòng khi nhớ đến những ngày “khởi đầu nan” của con đường kinh doanh gắn với cây hành, cây tỏi. Thực ra lúc đó, cây hành, tỏi ở quê chị mới chỉ được dùng cho bữa ăn gia đình, mang ra chợ dù đắt hay rẻ cũng phải bán tống, bán tháo vì chưa biết cách bảo quản và cũng chưa tìm được đầu ra ổn định.
Hàng ngày được chứng kiến nghịch lý bà con nông dân vất vả chăm bón cây trồng, nhưng đến khi thu hoạch lại chẳng lãi lờ bao nhiêu, chị Thuý đã nung nấu ý định, bỏ công sức đi thăm dò thị trường. Ban đầu chị đi thu gom hành tươi trong xã mang vào thành phố Vinh (Nghệ An) tiêu thụ. Nhưng rồi thị trường Vinh cũng không “ôm” hết được nguồn hành quê chị nên chị tiếp tục “Nam tiến”. Đó là vào những năm 1991-1992.
Và rồi những ngày tháng đi lại như con thoi giao hàng từ Bắc vào Nam, chị Thuý đã định hướng cho mình con đường kinh doanh có khả năng nâng cao giá trị cây hành, tỏi cho bà con quê hương mình lên gấp nhiều lần. Năm 1993, một lò chiên hành, tỏi đầu tiên do chị khởi xướng ra đời tại xã Nam Trung, giúp người nông dân không còn phải lo chạy ngược xuôi tìm nơi tiêu thụ.
Khi đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, chị Thuý đã thành lập Cty TNHH Hanh Thuý với số vốn đầu tư 2 tỉ đồng, gần 1.000m2 nhà xưởng, 13 lò chiên và tạo dựng được 20 đại lý vệ tinh trong huyện và các huyện lân cận, chuyên chế biến các loại hành, tỏi, giềng, gừng... Từ lò chiên của chị Thuý, nhiều hộ dân từ chỗ là vệ tinh cho cơ sở của chị, đến nay đã tự mở xưởng chế biến riêng, không chỉ tạo việc làm cho con em mình mà thu hút nhiều lao động nông nhàn từ các xã lân cận. Thành công đáng mừng không của riêng chị Thuý mà cả người dân Nam Trung là các sản phẩm hành, tỏi sấy của họ đã vượt khỏi biên giới Việt Nam, có mặt ở thị trường Đài Loan, Nhật Bản...
Niềm vui và công đầu thuộc về chị Thuý, vậy mà chị vẫn băn khoăn với ý nghĩ rằng: “Giá như mình được học hành bài bản hơn thì có lẽ đường đi của cây hành, tỏi sẽ ngắn hơn và cho hiệu quả kinh tế sớm hơn!”. Trăn trở với hạn chế mang tính mùa vụ của mặt hàng nông sản (chỉ gói gọn trong khoảng thời gian tháng 11 - tháng 4 âm lịch) nên chị Thuý đầu tư mở thêm nhà hàng Gió Nam để tạo việc làm cho công nhân của mình.
Đến hành lá Bến Thành...
Xưởng chế biến của Cty cổ phần đầu tư và phát triển Bến Thành - cũng ở xã Nam Trung do một thanh niên còn rất trẻ (sinh năm 1971) làm giám đốc. Ngay bước chân đầu tiên theo Giám đốc Cty Nguyễn Anh Bến vào xưởng chế biến, mùi hăng hắc của lá hành từ những máy thái xông lên cay sè khiến chúng tôi chảy cả nước mắt. “Chịu cay mãi rồi cũng thành quen, quen rồi lại thấy ngọt, thấy nhớ bởi cái nghề này đã trở thành cần câu cơm nuôi sống và đổi đời cho bao nhiêu hộ dân trong xã” - anh Bến nói. Không phải chính vụ nhưng trong gian xưởng diện tích 900m2 chất đầy bao tải hành lá thái nhỏ sấy khô theo các hợp đồng đã ký kết và ngay sau xưởng là những luống hành mơn mởn đang chờ ngày thu hoạch. Điều đó phần nào thể hiện guồng máy kinh doanh khá phát đạt của cơ sở Bến Thành.
Con đường gắn với cây hành, tỏi của anh Bến cũng khá giống với chị “Thuý tỏi” vì đều nhìn thấy sự lãng phí của các sản phẩm nông nghiệp khi chưa được chế biến. Mang đầy nhiệt huyết của người lính hết nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Bến mong mỏi sẽ tìm được việc làm hữu ích cho quê hương. Anh đã rất ngạc nhiên và tiếc rẻ khi cây hành chỉ được bà con sử dụng phần củ còn bỏ đi toàn bộ phần lá. ý tưởng loé lên rất nhanh khi anh phát hiện trong gói mì tôm có gia vị hành lá sấy khô và con đường tìm kiếm đầu ra cho hành lá khởi nguồn từ đó.
Đầu tiên, anh không quản vất vả đến từng nhà thu mua lá hành rồi mang về nhà chế biến theo phương pháp thủ công - thái tay, phơi khô rồi đem chào hàng một số nơi. Khi đã có mối hàng ổn định, anh bắt đầu mở rộng xưởng chế biến, đầu tư máy móc và thuê thêm nhân công. Từ một xưởng chế biến nhỏ, sau 10 năm làm nghề chế biến hành lá, hiện giờ anh Bến đã có thêm 4 cơ sở tại Vĩnh Phúc, Hải Phòng và Bắc Giang với doanh thu mỗi tháng trừ các chi phí cũng được 20-25 triệu đồng.
Đến nay, thương hiệu Bến Thành đã có uy tín từ Bắc-Trung-Nam. Đặc biệt, năm 2006 anh là 1 trong 2 nông dân của Việt Nam được Tổ chức Lương thực quốc tế (FAO) mời tham dự hội thảo về công nghệ chế biến vệ sinh an toàn thực phẩm cho hàng nông sản sau thu hoạch. Cơ hội này đã mở cho anh hướng phát triển mới ra khu vực, bước đầu anh chuẩn bị mở thêm cơ sở chế biến hành lá khô tại Lào trên cơ sở gợi ý hợp tác của bạn tại hội thảo.
70% hộ dân giàu lên từ hành, tỏi
Đến thăm một số hộ dân trong xã Nam Trung, ai nấy đều hồ hởi cho rằng cái máy sấy của anh Bến, chị Thuý đã tạo công ăn việc làm cho gia đình họ, giúp họ đổi đời. Khẳng định thế mạnh của Nam Trung trong chế biến nông sản, ông Lê Công Hiền - Chủ tịch UBND xã Nam Trung - cho biết: Nghề chế biến hành tỏi và nông sản ở Nam Trung bắt đầu phát triển mạnh từ năm 1997 nhưng rầm rộ nhất là từ năm 2000 trở đi.
Chủ trương của xã là đầu tư ưu tiên phát triển cây hành và khuyến khích bà con nông dân trồng hết diện tích, đồng thời tiếp tục duy trì, phát triển ngành nghề chế biến nông sản. Nhờ biết tận dụng và phát huy thế mạnh địa phương nên nếu năm 2000, thu nhập bình quân theo đầu người của Nam Trung mới chỉ đạt 4,3 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2005 đã là 6,3 triệu đồng/người/năm; 60-70% hộ dân giàu lên nhờ hành, tỏi, sắm sửa được nhiều trang thiết bị đắt tiền…
Người dân Nam Trung cũng rất tự hào vì có làng Mạn Đê được công nhận là làng nghề chế biến nông sản và năm 2002 được tổ chức AIPO công nhận là làng năng suất xanh.
Chia tay Nam Trung, đọng lại trong chúng tôi là gương mặt những người nông dân dám nghĩ, dám làm để những vị cay của hành, tỏi dù có làm họ chảy nước mắt, nước mũi cũng trở nên ngọt ngào hơn bởi đó chính là nguồn tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã, cho huyện và cho mỗi người dân nơi đây. Sự kiện Việt Nam gia nhập WTO càng tạo cơ hội cho những doanh nhân trưởng thành từ người nông dân như chị Thuý, anh Bến tiếp tục đưa những sản phẩm chế biến từ nông sản vươn xa hơn nữa trên thương trường quốc tế và khu vực.