Người Dao trồng chuối xuất khẩu
Được đăng : 03/11/2016
Từ mô hình phát triển kinh tế thành công của nông dân Triệu Hữu Quang ở bản người Dao, hàng trăm hộ bà con bản, làng các xã Nông Thượng, Xuất Hóa và Tân Sơn thuộc thị xã Bắc Cạn chuyển hướng mở rộng diện tích trồng chuối xuất khẩu.
Ðổi đời từ... chuối
Kết thúc lớp học tin học cơ bản ở thị xã, anh Triệu Hữu Quang, 42 tuổi, nông dân người dân tộc Dao ở thôn Tân Thành, xã Nông Thượng (Bắc Cạn) hồ hởi dẫn đoàn khách tham quan vườn. Con đường đất quanh co, gập ghềnh dẫn vào ngôi nhà hai tầng của gia đình nằm gọn bên dãy đồi xanh ngút chuối chen lẫn cây rừng. Từ căn phòng khách có tủ lạnh, máy thu hình, nhìn phía trước cả rừng chuối bạt ngàn xa khuất đến tận dãy đồi xa trước mặt. Ngay trước sân nhà cũng có dãy chuối lủng lỉu quả trồng bên bờ ao cá.
"Cách đây 13 năm, cây chuối đã được trồng tại vườn rừng địa phương, tuy nhiên chỉ trồng nhỏ lẻ, xen canh dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả" - Anh Quang - người nông dân trước năm 1990 du canh du cư, cuộc sống tạm bợ trong căn nhà tranh tre, cơm không đủ ăn, con cái bỏ lớp, bỏ trường, mở đầu câu chuyện như vậy. Ðó là năm tháng khó khăn khi gia đình anh và vài bà con chân ướt chân ráo chuyển từ bản Khuổi Mèng heo hút ra gần đường lớn.
"Cả đồi, cả vườn trồng vài chục khóm chuối. Ðược buồng nào đẹp, lại lích kích đèo xe đạp ra chợ thị xã. Trời mưa lầy lội thì vác bộ" - Anh Quang kể.
Như nhiều bà con vùng bản, làng khác ở các xã Xuất Hóa, xã Tân Sơn, hơn chục năm nay, gia đình anh được hưởng lợi từ việc Nhà nước quan tâm mở đường, xây dựng công trình hạ tầng cơ sở, triển khai dự án phát triển kinh tế đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. "Dần dà, vợ chồng tôi phát hiện hiệu quả kinh tế từ cây chuối khá, lại dễ trồng, dễ chăm hơn loại cây khác. Mà không phải ra chợ, đến mùa có người đánh xe tận bản hỏi mua". Anh Quang nói.
Bên cạnh đó, gia đình anh nằm trong số ít người trong thôn đi tiên phong trong việc làm thử mô hình VAC (vườn - ao - chuồng). Ðầu tư xây dựng dãy chuồng trại kiên cố, thoáng mát, anh chị nuôi gần 20 con lợn thịt và hàng trăm con gà giống siêu nạc. Sát khuôn viên chuồng trại, trên diện tích 400m2, anh Quang thả nuôi cá basa, chép, rô phi.
Từ chăn nuôi, gia đình anh Triệu Hữu Quang có điều kiện tập trung vốn liếng mở rộng vườn chuối rộng lên tới 2,5 ha và chăm sóc rừng cây lâm nghiệp, gồm 3 ha tre điền trúc, 1,5 ha cây mỡ, quế, mơ... "Từ rừng chuối, nhà mỗi năm thu về chừng 25-30 triệu đồng. Còn bán lợn, bán gà thu lãi khoảng 10- 15 triệu đồng". Vợ anh Quang, chị Bàn Thị Thành cho biết.
Mở hướng làm ăn mới
Bắt nhịp nhu cầu thị trường, anh chị gần đây mua ba xe máy- cho vợ chồng và cậu con trai, làm dịch vụ thu mua các loại nông sản của bà con các bản xa như Tân Thành, Khuổi Cuồng, Khuổi Trang.
"Lúc "khan" chuối, giá bán ra là 2.500 đồng/kg, còn giữa vụ thì chỉ 1000 đồng/kg. Mỗi năm tôi thu gom khoảng 100 tấn chuối, chủ yếu bán cho thương lái chuyển sang các tỉnh bên kia biên giới Việt- Trung" - Anh Triệu Hữu Quang ước tính tổng thu nhập hằng năm của gia đình lên đến 40- 45 triệu đồng, một bước tiến làm thay đổi hẳn cuộc sống của một gia đình đông con.
Hơn thế, cuộc sống đã giúp anh chị có cách nghĩ, cách tìm lối đi mới mẻ trong chuyện làm ăn kinh tế ở thôn, bản xa xôi. Năm ngoái, anh Quang, chị Thành đã bỏ ra 18 triệu đồng, mua giống chuối, phân bón, thuốc trừ sâu mang tận chân vườn gần 80 bà con bản Mai Hiên (xã Xuất Hóa), bản Nam Dất (xã Tân Sơn), kiêm luôn việc hướng dẫn bà con cách chăm bón. "Bà con đến mùa thu hoạch chuối sẽ gọi đến mình". Anh Quang nói giọng chắc nịch.
Trao đổi về mô hình kinh tế gia đình anh Quang, ông Hà Văn Chín, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, cho rằng, mô hình đã giúp bà con tại các thôn, bản trong vùng nhìn ra hướng làm ăn mới. "Lâu nay bà con trên này vẫn dựa vào loại cây chủ lực như trúc sáo, măng tre Bát Ðộ, gừng. Gần đây hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao vì đến mùa giá mua thấp, thường bị tư thương ép giá".
Ông Hà Văn Chín nói thêm, nhìn vợ chồng anh Quang tiến tới làm giàu từ cây chuối, năm nay gần 280 hộ bà con người Dao năm thôn Bản Lù, Nậm Dất, Khuổi Ðeng 1, Khuổi Ðeng 2, Nà Khu đầu tư mở rộng diện tích trồng chuối. Chỉ duy nhất thôn Phia Rạ xa xôi nhất, cách trung tâm xã 12km, bà con chưa trồng vì thấy đường sá chưa thuận tiện.
Với vợ chồng anh Quang, kế hoạch làm ăn không chỉ trong thời gian một, hai, hay ba tháng tới, mà thực tế dài hơi hơn.
Tuần qua, anh Triệu Hữu Quang không phải dậy từ sáng sớm leo đồi, vượt suối lên thăm rừng chuối, rừng mơ. Sáng dậy, anh Quang ăn mặc chỉnh tề đi xe máy tới lớp. Ở đó, anh và gần 30 nông dân điển hình từ các huyện, thị xã đang loay hoay tập gõ bàn phím, di chuột, lướt web trên máy vi tính. Gần một tuần trôi qua, các học viên bước đầu quen với nút phím "Restart", "Enter"... Qua nói chuyện, anh Quang đặc biệt quan tâm cách tìm kiếm thông tin trên trang "Google", cũng như làm thế nào gửi thư điện tử trên mạng.
Ðể làm ăn lớn phải trường vốn, có phương tiện hiện đại để giao dịch, tìm kiếm bạn hàng gần xa- anh Quang nói. Chả thế, hôm bế giảng, người nông dân này hỏi cán bộ kỹ thuật rất kỹ giá cả, nhãn hiệu, chủng loại một số loại máy vi tính có cấu hình trung bình. - Vợ chồng tôi đã bàn năm tới mua chiếc xe tải nhỏ, giờ tôi tính mua thêm máy vi tính để bàn tầm tầm năm, sáu triệu đồng, phục vụ làm ăn. Anh Triệu Hữu Quang nói một cách tự tin.