00:00 Số lượt truy cập: 3235684

Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm ở Lệ Thủy (Quảng Bình) 

Được đăng : 03/11/2016
Vào những ngày Tết Mậu Tý này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn  Quảng Bình lại phải đối phó dịch cúm gia cầm bùng phát ra diện rộng trên địa bàn xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy.

Những tưởng, dịch cúm gia cầm sau khi xuất hiện trên đàn vịt của ông Nguyễn Ngọc Xuân ở thôn An Ðịnh, xã Hồng Thủy vào ngày 16-1-2008 lắng xuống để người chăn nuôi ở xã này đón một cái Tết tươi vui và các cán bộ thú y cũng bớt nỗi lo chống dịch trong thời điểm cái Tết đã cận kề.

Thế nhưng sau đó 14 ngày, dịch cúm gia cầm lại bùng phát, cách ổ dịch cũ chừng 1 km, đó là thôn Mốc Ðịnh, cũng thuộc xã Hồng Thủy. Ngay trong đêm 29-1-2008, Chi cục Thú y và huyện Lệ Thủy đã tổ chức tiêu hủy đàn vịt gồm 3.500 con bị dịch bệnh của ông Nguyễn Văn Cơ và đàn vịt của hai hộ chung quanh gia đình này.

Tiếp đó, ngày 31-1-2008, UBND tỉnh công bố dịch tại thôn An Ðịnh và Mốc Ðịnh, xã Hồng Thủy, vùng bị dịch uy hiếp là những địa phương chung quanh xã có dịch; đồng thời, UBND tỉnh cũng có công điện số 2 gửi đến các địa phương và ngành liên quan nhằm đôn đốc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Bên cạnh việc chỉ đạo UBND huyện Lệ Thủy tập trung bao vây dập tắt ổ dịch tại Hồng Thủy, giám sát chặt chẽ việc chăn nuôi vịt thả đồng, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát dịch bệnh từ cơ sở, phát hiện kịp thời, xử lý kiên quyết các ổ dịch xảy ra trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh đối với việc ấp, nuôi mới, tiêu thụ gia cầm trong dịp Tết...

Việc vận chuyển, mua bán và giết mổ, tiêu thụ gia cầm trong những ngày Tết vừa qua ở Quảng Bình nói chung và Lệ Thủy nói riêng khá ổn định. Tại Hồng Thủy, trong 10 ngày qua chưa xuất hiện thêm ổ dịch mới. Tại đây, Chi cục Thú y và huyện Lệ Thủy đã cử một tổ công tác (gồm 4 người) trực 24/24 giờ, ngay trong cả những ngày Tết để chỉ đạo việc phòng, chống và giám sát tình hình dịch bệnh.

Nhiều biện pháp  chuyên  môn cũng đã được triển khai ráo riết như tiêm vắc-xin H5N1 cho toàn bộ đàn vịt của xã này và các vùng tiếp giáp; phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại khu vực chuồng trại chăn nuôi, bãi chăn thả và nơi tiêu hủy đàn vịt; nghiêm cấm việc chăn thả vịt thả đồng, đồng thời cấm mua bán gia cầm ở 2 chợ trên địa bàn.

Tuy vậy, theo ghi nhận của chúng tôi, ngay sau Tết Mậu Tý, dù dịch cúm gia cầm ở Hồng Thủy đã tạm lắng xuống nhưng dường như vẫn tiềm ẩn và có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào trước sự chủ quan của người chăn nuôi. Nhiều hộ vẫn thản nhiên thả vịt trên các ao bàu. Ngoài một số chủ trại vịt nuôi với lượng lớn tiêm vắc-xin H5N1 khá đầy đủ cho đàn vịt, vẫn có một số hộ nuôi vịt với số lượng ít, nhỏ lẻ trong vườn nhà chưa tự giác tiêm phòng.

Cùng với sự nhập cuộc một cách tích cực trong việc phòng, chống dịch cúm gia cầm của ngành thú y, các địa phương của tỉnh Quảng Bình cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về diễn biến của dịch, nhất là trong mùa mưa rét kéo dài để không chủ quan, chủ động phối hợp chính quyền cơ sở và lực lượng thú y trong việc giám sát dịch bệnh đến tận thôn bản nhằm phát hiện nhanh, xử lý kịp thời và triệt để các ổ dịch, tránh lan ra diện rộng.