Một trong những nguyên nhân chính tạo sự phát triển của làng nghề là thị trường tiêu thụ sản phẩm luôn đảm bảo. Mỗi chiếc bội có giá vài trăm đồng, tuỳ theo kích thước lớn nhỏ. Trung bình một lao động làng nghề có thể chẻ nan cho 3 người đan. Chính vì vậy, sản lượng làm ra chưa nhiều.
Thông thường, chẻ nan là công đoạn khó nhất, đòi hỏi phải có tay nghề cao, kinh nghiệm lâu năm bởi mất nhiều thời gian, quyết định sự đồng đều và chất lượng của sản phẩm. Nhiều người đã nghĩ đến việc dùng máy chẻ nan để thay thế sức người và ông Nguyễn Thế Luật, tổ trưởng Tổ kinh tế hợp tác làng nghề đan bội ở ấp Hưng Lợi Đông là người đầu tiên thực hiện được điều đó. Ông đã mạnh dạn đầu tư 10 triệu đồng để mua 2 máy chẻ nan tre, trúc, từ Thái Bình, trong đó, Trung tâm khuyến công tỉnh hỗ trợ 50%. Ông Luật nói: “Vì muốn cải tiến trong sản xuất và giảm bớt lao động thủ công, khi được Trung tâm Khuyến công hỗ trợ, giới thiệu máy có khả năng chẻ tre, trúc, tôi đã mạnh dạn đầu tư. Sau khi vận hành, tôi thấy máy có ưu điểm chẻ nhanh, đẹp. Đặc biệt, chỉ một người điều khiển, năng suất tương đương với 10 lao động thủ công. Vì vậy, nếu việc ứng dụng máy chẻ nan vào sản xuất được đẩy mạnh, chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ được nâng lên, số lượng sản phẩm làm ra sẽ tăng đáng kể. Chị Huỳnh Thị Năm ở ấp Hưng Lợi Tây tâm sự: “Bình quân một ngày gia đình tôi làm khoảng 150 bội, nay có máy chẻ nan, công việc nhanh hơn và sản phẩm cũng nhiều hơn”.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Hiệu quả của máy chẻ nan đã được khẳng định, nhiều người muốn được tiếp cận và ứng dụng trong sản xuất, nhưng họ gặp khó khăn trong đầu tư mua máy. Trong thời gian tới, xã sẽ cho bà con vay vốn để làng nghề ngày càng phát triển, góp phần nâng cao sản lượng và thu nhập cho người dân”.