00:00 Số lượt truy cập: 2677946

Nhu cầu dinh dưỡng của gia súc cái mang thai 

Được đăng : 03/11/2016

Gia súc cái mang thai cần dinh dưỡng cho nhiều hoạt động khác nhau, trước hết là tăng trưởng của thai và tử cung. Trong quá trình phát triển thai, chất dinh dưỡng đã tích lũy ở tử cung tăng dần, tập trung chủ yếu vào giai đoạn cuối.


Ở bò cái mang thai trước 6 tháng chất dinh dưỡng tích lũy rất ít. Giai đoạn 6-9 tháng có sự tích lũy rõ rệt và cần có nhu cầu nuôi thai. Về năng lượng thì nhu cầu dưỡng thai không đáng kể so với nhu cầu duy trì của mẹ, nhưng protein, Ca, P và khoáng khác thì có tăng đáng kể.

Tăng trưởng của tuyến vú: Tuyến vú có tăng trưởng nhưng số lượng chất dinh dưỡng tích lũy không đáng kể, mỗi ngày không quá 45g protein.

Trao đổi năng lượng trong kỳ dưỡng thai: Quá trình dị hóa chất dinh dưỡng ở gia súc có thai lớn hơn ở gia súc không mang thai cùng thể trọng. Khác biệt ấy được gọi là “nhiệt tăng để nuôi thai”. Nhiệt ấy là do tăng trao đổi cơ bản của chính cơ thể mẹ chứ không phải do nhiệt của thai sản sinh. Thay đổi nhiệt ấy là do thay đổi về hocmon của thai. Nhiệt tăng này là tăng dần suốt thời kỳ mang thai cộng với tăng trọng của mẹ, kết quả là tăng nhu cầu nhiệt duy trì.

Tăng trưởng cơ thể mẹ khi mang thai: Tăng trọng trong khi mang thai không phải chỉ do tăng trưởng thai mà còn là do tăng trọng của mẹ. Ví dụ, 10 lợn con kể cả nhau chỉ nặng 18kg lúc sinh, nhưng chính lợn mẹ đã tăng trưởng hơn 50 kg trong thời kỳ mang thai. Sai khác đó là do chính cơ thể mẹ, xuất phát từ ngưng tụ chất dinh dưỡng ở các tổ chức của mẹ. Ví dụ, protein tăng 3 - 4 lần, Ca tăng 5 lần so với thai. Đó được gọi là “đồng hóa khi mang thai” xảy ra ở mọi loại gia súc dù là lứa đẻ đầu hay lứa sau. Thường thì trọng lượng bị giảm đi trong thời kỳ cho sữa tiếp theo đó.

Đồng hóa khi mang thai ở lợn làm tăng trọng lượng sơ sinh của lợn con và tích lũy chất dinh dưỡng trong cơ thể cho phép sản lượng sữa cao hơn vì thế cải tiến tăng trọng của lợn con. Tuy nhiên lưu ý rằng sự tăng trưởng của con mẹ trong giai đoạn chửa càng lớn càng không tăng số con/ổ, trọng lượng sơ sinh và khả năng sống của lợn con. Nói chung, tăng trọng trung bình khoảng 15 kg cho 3 lứa đẻ đầu tiên là đủ để cho lợn nái tăng trưởng mà không mất đi lượng mỡ tích lũy và mang lại hiệu quả sinh sản kinh tế nhất.

Vẫn còn nhiều tranh cãi về sai khác khả năng sản xuất sữa do ảnh hưởng trong thời kỳ mang thai. Có người cho rằng chế độ dinh dưỡng cao trong khi mang thai cho năng suất sữa cao. Nhưng thông thường, người ta cho mẹ tăng trọng giới hạn ở ¾ kỳ mang thai và ¼ sau mới tăng nhanh. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của thai, nhưng cũng không làm mất chất dinh dưỡng của mẹ truyền cho con. Kỹ thuật đó được gọi là “tắm hơi” cho bò.

Hậu quả thiếu dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai: Thai luôn luôn có khuynh hướng cạnh tranh mạnh mẽ ưu tiên về chất dinh dưỡng, vì thế nếu ăn thiếu thì con mẹ phải lấy dự trữ của mình nuôi con, ưu tiên này thấy rõ nhất ở trường hợp chất sắt khi mẹ bị chứng thiếu máu. Tuy nhiên, sự phòng vệ cho thai cũng không phải tuyệt đối, nghĩa là mẹ bị thiếu ăn trầm trọng và kéo dài thì cả mẹ và con đều bị tác hại.

Nói chung, tác hại của thiếu dinh dưỡng xảy ra ở giai đoạn sau của thời kỳ mang thai, đặc biệt vitamin A cũng có ảnh hưởng ở giai đoạn trước và làm cho con bị tật nguyền hoặc có thể chết.

Ảnh hưởng trên thai: Nếu thiếu ăn ở giai đoạn sớm hơn, số con đẻ sụt giảm, thai chết trong tử cung hoặc chết sau khi đẻ do sữa mẹ thiếu chất dinh dưỡng. Thai chết thể hiện qua các dấu hiệu: sẩy thai, đẻ ra thai đã chết. Protein và vitamin A có tác dụng rõ nhất và có thể cả I, ca, Vitamin B1, pantotenic. Gia súc non bị dị tật bẩm sinh từ bụng mẹ do thiếu vitamin A (tật ở mắt và xương), thiếu I (bướu, trụi lông), thiếu riboflavin (trụi lông) và thiếu Cu (lưng oằn)./.