00:00 Số lượt truy cập: 2669734

Những bất cập trong việc phòng, chống bệnh 'tai xanh' ở Hải Dương 

Được đăng : 03/11/2016

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương, bệnh Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS) hay còn gọi là bệnh "tai xanh" đã hai lần tái phát, với mức độ khác nhau và diễn biến phức tạp. Việc phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cũng như bệnh "tai xanh" ở lợn còn nhiều bất cập.


Chúng tôi về hai xã Liên Mạc và Thanh Bính (Thanh Hà) sau hơn một tuần bệnh "tai xanh" xuất hiện trên đàn lợn. Người chăn nuôi lợn rất lo lắng trước nguy cơ dịch bệnh lây lan.

Tại xã Liên Mạc, bệnh "tai xanh" xuất hiện trên đàn lợn nái của gia đình bà Nguyễn Thị Thuy ở thôn Mạc Ðộng; được phát hiện không phải do cơ quan thú y tỉnh, mà do  con gái bà Thuy lấy mẫu huyết thanh của một con lợn chết gửi đi xét nghiệm. Kết quả có hai mẫu huyết thanh dương tính  với virus PRRS.

Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Hải Dương Ðồng Văn Chúc cho biết: Ngày 9-10, đàn lợn nhà bà Thuy có 12 con (1 lợn nái, 11 lợn con) thì có đến bảy con bị ốm và chết. Ðến ngày 12-10, đàn lợn nhà anh Nguyễn Văn Luân, đội 6, thôn Thanh Lanh, xã Thanh Bính, có một số con bị ốm.

Chúng tôi cử cán bộ thú y đến lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm và kết quả dương tính với virus PRRS. Ngay lập tức, chúng tôi tiến hành khoanh vùng, tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm bệnh "tai xanh".

Ðể phòng, chống bệnh "tai xanh" lây lan diện rộng, UBND xã Liên Mạc lập hai chốt kiểm dịch, nhưng cũng không thể cản được các chủ phương tiện vận chuyển lợn trong vùng dịch ra ngoài.

Chủ tịch UBND xã Thanh Bính Trịnh Văn Ðằng khẳng định: Ðàn lợn bị nhiễm bệnh "tai xanh" phải tiêu hủy đều chưa được tiêm phòng các loại vaccine phổ thông như dịch tả, tụ dấu. Ðến nay, tổng đàn lợn của xã lên đến 2.625 con, nhưng chỉ có 300 con (chiếm hơn 10% tổng đàn lợn) được tiêm các loại vaccine phổ thông.

Nguyên nhân của thực trạng này là do nhận thức của người chăn nuôi còn hạn chế, chưa thấy được tầm quan trọng của việc tiêm vaccine; thiếu cán bộ thú y cơ sở. Theo Chi cục trưởng thú y Ðồng Văn Chúc, đến nay, tổng đàn lợn của tỉnh có hơn 600 nghìn con, nhưng chỉ có 50,5% tổng đàn lợn được tiêm các loại vaccine phổ thông như dịch tả, tụ dấu.

Việc tiêm phòng các loại vaccine này cho đàn lợn sẽ tăng khả năng miễn dịch đối với bệnh "tai xanh". Thí dụ như hộ nhà anh Thao (con bà Thuy) cũng nuôi lợn cách đó 50 m lại không mắc bệnh "tai xanh" vì đàn lợn đã được tiêm phòng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, Lê Văn Dũng cho rằng: "Lực lượng thú y cơ sở hiện quá mỏng. Ban thú y xã chỉ có hai cán bộ, nhưng phải đảm nhiệm công việc quá lớn. Ðúng ra việc tiêm phòng, chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, bệnh "tai xanh" do Trạm thú y huyện đảm nhiệm. Nhưng, do thiếu cán bộ, cho nên UBND huyện chỉ đạo phòng đảm nhiệm thêm công việc này.

Hiện cơ chế, chính sách với cán bộ thú y cơ sở còn nhiều bất cập. Trưởng ban thú y xã cũng chỉ được lĩnh phụ cấp 150 nghìn đồng/tháng. Như thế làm sao khuyến khích họ nhiệt tình với công việc.

Tổng đàn lợn của huyện đến nay còn 81 nghìn con. Phần lớn các hộ chăn nuôi lợn chưa bảo đảm việc vệ sinh chuồng trại. Tôi cho rằng việc di dời các hộ chăn nuôi đến nơi tập trung, tách biệt khu dân cư là rất cần thiết, tuy nhiên việc thực hiện rất khó".

Anh Lê Văn Bằng, công an viên xã Thanh Bính, thành viên trực tại chốt số 1 cho biết: Chúng tôi chưa biết chế độ đối với cán bộ trực tại chốt kiểm dịch thế nào. Vì nhiệm vụ do UBND xã giao, chúng tôi phải chấp hành. Nói thật với anh, chúng tôi sốt ruột lắm vì ở nhà vợ con đang túi bụi gặt lúa và làm vụ đông.

Cơ chế quản lý chuyên ngành thú y của tỉnh Hải Dương rất khác so các địa phương. Từ năm 2003, UBND tỉnh thực hiện phân cấp quản lý trạm thú y trực thuộc UBND huyện. Huyện Thanh Hà là điểm đầu tiên của tỉnh áp dụng mô hình "Trung tâm dịch vụ nông nghiệp" trên cơ sở sáp nhập ba trạm thú y, khuyến nông, bảo vệ thực vật. Nhưng, Trung tâm này hoạt động không hiệu quả, cho nên hai trạm thú y và bảo vệ thực vật phải tách ra.

Theo Chi cục trưởng chi cục thú y tỉnh Ðồng Văn Chúc, với cơ chế quản lý này rất khó cho chi cục trong việc chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Khi xảy ra dịch, bệnh thì việc chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa Chi cục thú y với các trạm thú y rất khó khăn.

Mặc dù đến ngày 22-10, bệnh "tai xanh" trên địa bàn hai xã Liên Mạc và Thanh Bính đã được khống chế, nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh này còn nhiều bất cập. Việc phòng, chống dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm cần thực hiện quyết liệt, thường xuyên, với sự tham gia, phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại đối với người chăn nuôi.