00:00 Số lượt truy cập: 3228015

Những "gam sáng" trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Gia Lai 

Được đăng : 03/11/2016
Kết thúc năm 2006, kinh tế nông nghiệp ở Gia Lai có bước phát triển khá và ổn định đã góp phần tăng nhanh tốc độ tăng trưởng GDP toàn tỉnh đạt 13,1%, tăng tổng thu ngân sách đạt 950 tỷ đồng.

^Với tổng diện tích gieo trồng các loại cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày đạt gần 400 ngàn hecta, chỉ tăng 8,5% so với năm 2005, nhưng có giá trị sản xuất đạt đến 5.200 tỷ đồng và tăng gần 12%. Ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định, Gia Lai đã đi đúng hướng trên lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và tạo bước đi vững chắc theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng nhanh về giá trị sản xuất hàng hoá.
Với lợi thế so sánh từng vùng, từ sau năm 2000, tỉnh Gia Lai đã xác định chuyển dịch mạnh bằng "2 cây và 2 con", đó là cây lúa nước, cây điều, con heo và con bò. Các dự án chuyển đổi đã được hình thành với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng và từng bước ứng dụng phát huy có hiệu quả, mang lại nguồn lợi lớn cho gia đình và xã hội. Hàng ngàn hộ nông dân trong toàn tỉnh đã tham gia thực hiện dự án chuyển đổi cơ cấu giống lúa nước 2 vụ bằng việc thay thế các loại giống tạp sang giống mới (cấp I) đã được xác nhận như: TH 85, TH 205, DV 108, IR 64, Khang dân 18, Xi 23... Đây là những bộ giống lúa nước thuần cho năng suất cao, có khả năng kháng bệnh và chịu khô hạn phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết và thổ nhưỡng ở Gia Lai. Với tổng diện tích gần 40.000 ha ruộng lúa nước 2 vụ thực hiện gieo trồng bằng giống mới quay vòng trong 4 năm (2003 - 2006) đã cho năng suất đạt bình quân từ 60 đến 65tạ/ha tăng gần 20 tạ/ha so với giống lúa củ thoái hoá, và sản lượng thóc tăng khoảng 80.000 tấn. Mỗi năm ở Gia Lai tăng khoảng 20.000 tấn thóc, tương đương với giá trị 40 tỷ đồng. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa không chỉ có ở những vùng người Kinh mà có cả ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở huyện Đăk Đoa có đến 50% số hộ đồng bào dân tộc tham gia dự án; ở xã Ia Hiao (huyện Ayunpa) có 60% số dân là người J'rai nhưng diện tích lúa nước được cấp I hoá đến 70% với năng suất đạt bình quân 70tạ/ha/vụ.

Cây điều chiết ghép ở 2 vùng trọng điểm Krôngpa và Konchoro cũng đang trên đà phát triển mạnh, khẳng định tính bền vững và kinh tế của loại cây trồng hàng hoá này trong thời kỳ hội nhập. Với tổng số gần 8.000 ha điều trồng mới và cải tạo bằng phương pháp chiết ghép đã cho năng suất cao hơn hẳn so với các vườn điều trồng bằng hạt so với trước đây. Gần cả ngàn hecta điều chiết ghép được trồng từ năm 2001 - 2003 nay đã bắt đầu cho thu bói đạt năng suất bình quân 4 đến 4,2 tạ/ha và trong những năm tới sẽ còn cao hơn đến 6 đến 7 tạ/ha, tăng từ 1,5 đến 2 lần so với vườn điều cũ trồng bằng hạt. Cũng như cây lúa, cây điều ở 2 huyện Krôngpa và Konchoro có sự tham gia thực hiện của gần 5.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trước mắt đã có rất nhiều hộ thoát nghèo từ mức thu nhập vườn điều. Như hộ ông Ma Biên ở xã Ia Hdreh (huyện Krôngpa) trồng 1ha điều chiết ghép từ năm 2002, nay đã cho qua 2 vụ thu hoạch với năng suất 4,5tạ/năm và đạt mức thu khoảng 4 triệu đồng/năm; hộ ông Đinh Mhơn ở xã Yang Nam (huyện Konchoro) cũng trồng với diện tích như vậy, nhưng biết ứng dụng các biện pháp thâm canh tốt nên năng suất đạt cao hơn đến 6tạ/ha và có mức thu hơn 5 triệu.

Ngoài 2 cây lúa nước và cây điều, tỉnh Gia Lai cũng đã coi trọng đưa một số loại cây trồng hàng hoá khác vào trồng thay thế mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Ngô lai, bông vải, mía cao sản...Đặc biệt là cây cao su tiểu điền (CSTĐ) đang ngày càng phát triển mạnh trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng diện tích hiện có hơn 5.000 ha. Tuy diện tích vườn cây chưa đến thời kỳ cho khai thác mủ, nhưng đang phát triển rất tốt và hứa hẹn những mùa bội thu trong những năm tới. Bình quân mỗi hộ trồng được từ 1,2 đến 1,5ha cao su. Nếu năng suất đến kỳ thu hoạch đạt khoảng 1 tấn mủ khô thì có mức thu ít ra cũng được vài ba chục triệu đồng/ha. Điều đáng nói là, trong tổng số diện tích trồng CSTĐ này trước đây đều bỏ hoang hoá hoặc trồng cây tạp không kinh tế, nay được sinh lợi thì bà con rất phấn khởi và tự tin.

Về vật nuôi, thế mạnh ở Gia Lai vẫn xác định là con bò và con heo. Hiện nay tổng số đàn bò trên địa bàn có khoảng 300 ngàn con, trong đó có đến hơn 30% là bò lai kinh tế (gần 100 ngàn con) xếp hạng "tốp ten" trong cả nước. Đây là kết quả của sự chuyển dịch cơ cấu vật nuôi bằng biện pháp lai hoá đàn bò, khẳng định ưu thế của bò lai so với bò vàng địa phương và đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tỉnh đang có gắng từ nay đến năm 2010, mỗi năm sẽ tăng thêm từ 10.000 đến 12.000 con bò lai nâng tỷ lệ đàn bò lai trên địa bàn chiếm khoảng 50%. Phương án chuyển dịch theo heo hướng nạc ở Gia Lai cũng được phát triển mạnh, từ chỗ trước năm 2000 chưa có con heo ngoại nào thì nay đã phát triển được trên 2.000 con. Riêng thành phố Pleiku và các vùng phụ cận đã có trên 120 hộ chăn nuôi với 1.000 heo nái ngoại, hàng năm bán ra thị trường các tỉnh khoảng 30.000 con heo thịt hướng nạc, sinh lợi mỗi năm khoảng 4,5 tỷ đồng./.