00:00 Số lượt truy cập: 2690057

Những khó khăn trong công tác phòng chống bệnh lở mồm long móng ở tỉnh Bắc Kạn 

Được đăng : 03/11/2016

Có thể nói, Bắc Kạn là một trong những tỉnh có có nguy cơ cao về dịch lở mồm long móng. Chỉ riêng năm 2006, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra ba đợt bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Trong năm 2007 này, công tác phòng chống dịch bệnh trên lại gặp khá nhiều khó khăn.


Tháng 3 năm 2006, một đợt dịch lở mồm long móng bùng phát trên địa bàn toàn tỉnh ở diện rộng. Mười tám con bò giống do Sở Khoa học - Công nghệ nhập từ Đông Anh- Hà Nội về mà không qua kiểm dịch đã làm lây lan dịch bệnh đến hầu hết các huyện trong tỉnh. Đợt dịch bệnh này chưa chấm dứt thì đợt khác lại xảy đến vào giữa năm. Tháng 10 năm 2006 Bắc Kạn đã công bố hết dịch nhưng gần tết Nguyên Đán, tại các xã Hoàng Trĩ và Phúc Lộc (Ba Bể) lại xuất hiện dịch bệnh này với tổng số con gia súc bị nhiễm lên tới hơn 200 con. Sau ba đợt dịch bệnh, người dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi gia súc lớn vẫn chưa hết lo lắng vì thời điểm này vẫn đang là mùa phát dịch.

Để công tác phòng, chống bệnh lở mồm long móng đạt hiệu quả trước tiên phải kể đến đội ngũ cán bộ thú y. Ông Nguyễn Đình Trọng- Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bắc Kạn cho biết, hiện nay, đội ngũ cán bộ thú y của tỉnh ta còn quá mỏng, cả tỉnh có 33 cán bộ, trừ cán bộ văn phòng chi cục thì bình quân mỗi huyện chỉ được 2 cán bộ quản lý nhà nước về thú y. Với lực lượng mỏng như vậy thì công tác tiêm phòng và xử lý khi có dịch sát sao đến tận từng thôn bản là điều hết sức khó khăn. Từ 10 năm trở lại đây, chi cục thú y tỉnh đã huấn luyện được gần 500 người làm mạng lưới thú y cơ sở để làm công tác tiêm phòng dịch bệnh. Nhưng họ lại không có chế độ gì. Chỉ khi nào có đợt tiêm phòng thì họ tham gia và được trả thù lao là 2.000đ/ mũi tiêm. Chi cục Thú y đã đề nghị lên tỉnh cấp chỉ tiêu mỗi xã phải có một suất thú y cơ sở với thù lao 200.000đ/tháng. Đây sẽ là lực lượng tốt giúp ngành thú y triển khai công tác phòng chống các dịch bệnh ở gia súc, gia cầm đến cơ sở. Một khó khăn nữa của công tác này là kinh phí. Năm 2006 còn thừa 23.000 liều vắc xin tiêm phòng dịch bệnh, đến 30/4/2007 là hết hạn sử dụng. Vừa qua, Chi cục Thú y đã triển khai tiêm phòng trên địa bàn toàn tỉnh để khỏi lãng phí số thuốc trên. Nhưng từ năm 2007 này, theo Công văn số 404/TY-DT của Cục Thú y thì Bắc Kạn là tỉnh nằm trong vùng đệm nên tỉnh phải chi ngân sách 50% kinh phí mua vắc xin tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, còn 50% là dân chịu.

Khi công tác tiêm phòng được triển khai thì cũng gặp một số khó khăn nhất định. Đi tiêm nhưng không phải lúc nào cũng tiêm được. Trâu bò thả lên rừng nhiều ngày mới về. Đó là tập quán chăn nuôi của người dân vùng cao. Cán bộ thú y xuống cơ sở tiêm thì không gặp, nhiều khi trâu bò mắc bệnh trên rừng, đến chủ nhân còn không biết thì làm sao phát hiện và ngăn chặn dịch kịp thời.

Một số đề xuất để công tác phòng chống bệnh lở mồm long móng của tỉnh đạt hiệu quả

Để công tác này đạt hiệu quả thì cần đến sự phối hợp hành động của rất nhiều các cấp, các ngành, trong đó, cơ quan chủ chốt là Chi cục Thú y tỉnh. Năm 2007 này, vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng ở tỉnh ta là thuốc nhị giá với tuýp O và tuýp ASia1. Giá bán hiện nay là 8.000đ/liều.

Nếu tỉnh chỉ hỗ trợ 50% kinh phí thì khó khăn các hộ chăn nuôi về tiền ra mua thuốc. Công tác đào tạo nhân lực cũng phải được đặt lên hàng đầu. Công việc này thuộc về Chi cục Thú y tỉnh, nên có mức thù lao cho cán bộ thú y cơ sở để họ làm tốt nhiệm vụ được giao.Vấn đề kinh phí cũng phải được quan tâm đúng mức. Được biết, hàng năm, mỗi tỉnh đều có một khoản tiền riêng để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh này. Nhưng vấn đề là phải chi tiền kịp thời và đúng lúc. Hiện tại, Chi cục Thú y tỉnh vẫn nợ tiền tiêm 23.000 liều (thù lao 2.000đ/mũi tiêm) là 46 triệu đồng đối với cán bộ thú y cơ sở. Việc này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến lòng nhiệt tình của họ. Vì vậy, UBND tỉnh cần phải có những quyết định kịp thời và đúng lúc về kinh phí để Chi cục Thú y thực hiện tốt công tác chuyên môn của mình. Công tác tuyên truyền đến từng thôn bản cũng phải được quan tâm. Ngoài việc tuyên truyền qua báo chí, truyền hình còn rất cần đến việc in ấn, phát tờ rơi đến từng hộ gia đình. Thêm nữa, cũng từ đội ngũ thú y cơ sở, công tác tuyên truyền vận động để hiểu sâu hơn về căn bệnh này sẽ được đưa đến từng nhà. Đã có trường hợp bệnh được phát hiện và khoanh vùng chậm là do hộ chăn nuôi ở xa, thấy 1-2 con bị thì chủ quan tự chữa. Khi lây lan quá rộng mới báo lên thôn, thôn báo lên xã, xã báo lên huyện, đến khi cơ quan chức năng biết thì đã quá muộn.

Được biết, chính sách phát triển chăn nuôi của tỉnh là đến 2010, toàn tỉnh sẽ có 300.000 con trâu, bò. Để chính sách ấy thành công, rất cần đến việc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh này.