00:00 Số lượt truy cập: 2678896

Ninh Thuận: Hiệu quả từ mô hình tưới tiết kiệm nước ở một vùng khô hạn 

Được đăng : 03/11/2016

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và 2012 dự kiến khoảng 80.000 ha, tăng 16.000 ha so với năm 2005. Trong khi đó, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ mới đáp ứng khoảng 48 đến 49% diện tích.


Vì vậy, UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã rất chú trọng đầu tư xây dựng và nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm trên phạm vi toàn tỉnh. Các mô hình tưới nhỏ giọt cho cây nho; tưới tiết kiệm đối với cây lúa, cây ăn quả và cỏ phục vụ chăn nuôi... đã mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm được nguồn nước tưới.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, các mô hình tưới nhỏ giọt cho cây nho ở các xã Phước Thái, Phước Hậu (huyện Ninh Phước) cần một lượng nước 1.608 m3/ha, trong khi tưới theo phương pháp truyền thống phải cần đến 9.072 m3 nước/ha (giảm 82,2%), lượng phân bón cũng giảm từ 20 đến 25%. Các chỉ tiêu sinh học và năng suất hầu như không chênh lệch. Do tiết kiệm được lượng nước tưới, phân bón nên chi phí ở mô hình tưới tiết kiệm thấp hơn tưới theo phương pháp truyền thống 800.000 đồng/ha. Riêng đối với cây lúa, việc áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm cho năng suất tăng từ 13 đến 17% sản lượng (8,8 tạ đến 23 tạ/ha, tức là từ 2.400.000 đồng đến hơn 6.000.000 đồng/ha/vụ), đây là khoản lãi không nhỏ đối với người nông dân trong tỉnh.

Ngoài ra, trong thời gian qua ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo trung tâm khuyến nông, Trung tâm giống cây trồng vật nuôi thực hiện các mô hình sử dụng vật liệu giữ nước tại các vùng khan hiếm nước của tỉnh như huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước để phục vụ tưới. Kết quả bước đầu cho thấy, sử dụng vật liệu giữ nước trong sản xuất cây màu (ngô lai) có thể tiết kiệm từ 1đến 2 lượng nước, năng suất tăng từ 10 đến 15%, hiệu quả kinh tế so với phương pháp tưới truyền thống tăng từ 1,5 đến 2 triệu đồng/ha/vụ. Đây chính là tiền đề, là cơ sở để tiếp tục nhân rộng trong những năm tới nhằm tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới, tăng hiệu quả sản suất, qua đó tăng thu nhập cho nông dân, góp phần bảo vệ tài nguyên đất, môi trường sinh thái.

Để đảm bảo sản xuất bền vững, hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra do hạn hán, việc hoàn thiện và nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm, sử dụng vật liệu giữ nước đã được ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận kịp thời triển khai và chuyển giao tiến bộ khoa học đến từng địa phương; tiến hành xây dựng bản đồ tưới tiết kiệm cho các loại cây trồng chính tại các vùng sinh thái khác nhau của tỉnh; đồng thời xây dựng các mô hình điểm ở các vùng sinh thái để nông dân học tập, tiếp thu và áp dụng trong những năm tới./