Ninh Thuận: chuyển dịch cơ cấu cây trồng vụ đông-xuân 2006-2007 theo hướng chất lượng
Được đăng : 03/11/2016
Để từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích cây trồng có chất lượng, năng suất và hiệu quả cao đồng thời căn cứ tình hình thời tiết, khả năng cung cấp giống cây trồng, nước tưới phục vụ cho cây trồng, vụ đông - xuân 2006 đến 2007, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, các huyện, thị trên địa bàn tỉnh về cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng lúa vụ này.
Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương có kế hoạch xuống giống lúa đồng loạt, dứt điểm ở từng khu vực, xứ đồng theo đúng lịch thời vụ; kiên quyết tránh tình trạng trên một khu vực, xứ đồng có nhiều trà lúa (có tuổi khác nhau), nhằm hạn chế sự lây lan và phát triển của rầy nâu. Với những vùng bị nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá (VL, LXL) trong vụ hè- thu và vụ mùa vừa qua, nông dân không nên sử dụng các giống lúa có nguy cơ bị nhiễm rầy nâu và bệnh VL, LXL để gieo trồng, như giống lúa TH6, TH330, ML48...., bà con cần sử dụng giống lúa xác nhận, kết hợp với áp dụng kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất. Những nơi bị nhiễm rầy nâu nặng như: huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc, thị xã Phan Rang- Tháp Chàm cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm cắt đứt nguồn dịch hại, đảm bảo gieo trồng lúa vụ sau đạt hiệu quả cao. Đối với những vùng không chủ động được nước tưới, thiếu nước như: huyện Ninh Phước, Thuận Bắc, Bác Ái, nông dân cần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng cho phù hợp và sử dụng các giống lúa ngắn ngày, không bị nhiễm rầy nâu, như OMCS 2000, OM 1960, OM 1723..., bố trí sản xuất theo hướng giảm mạnh diện tích lúa, tăng diện tích cây trồng cạn chịu hạn, có khả năng chống sâu bệnh và cho năng suất cao./.