00:00 Số lượt truy cập: 3230911

Ninh Thuận 

Được đăng : 03/11/2016

Cây rong sụn đang thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hàng trăm hộ ngư dân các huyện Ninh Phước, Ninh Hải (Ninh Thuận). Không chỉ trúng mùa, giá rong sụn bán ra cũng khá cao.


Tận dụng diện tích mặt nước các ao, đìa nuôi tôm không mang lại hiệu quả trước đây, hơn 400 hộ ngư dân ở hai huyện đã mạnh dạn đầu tư nuôi trồng rong sụn với diện tích hơn 500 ha. Nhiều ngư dân cho biết: cây rong sụn hiện là cây trồng cứu cánh cho nhiều hộ dân. Chi phí đầu tư trong rong sụn khoảng 10 triệu đồng/ ha mặt nước, kỹ thuật nuôi trồng đơn giản nên rất phù hợp với những hộ dân nghèo vùng biển. Thời gian sinh trưởng ngắn, rong sụn cho thu hoạch nhanh trong vòng từ 2- 3 tháng, mang lại giá trị kinh tế khá cao. Mỗi ha nuôi trồng cho thu hoạch khoảng 20- 40 tấn rong. Sau thu hoạch, mỗi hộ có lãi từ 30- 60 triệu đồng, có những hộ lãi 80 triệu đồng/ha/vụ.

Trung tâm Khuyến ngư Ninh Thuận cho biết: rong sụn (Kappaphycusalvarezii) là loại cây trồng dễ thích nghi, được trồng ở tất cả các mặt nước mặn (ao, đầm, vịnh, các vùng ven biển...) ở tỉnh, thu hút nhiều hộ dân tham gia. Tháng 9/2008, nhiều hộ dân nuôi trồng rong sụn ở hai huyện Ninh Phước, Ninh Hải rất phấn khởi do được mùa, được giá. Sản phẩm rong có thị trường tiêu thụ lớn, giá ngày càng cao. Năm 2007, 1 kg rong tươi chỉ từ 1.000- 1.500 đồng và từ 8.000- 9.000 đồng/kg rong khô. Năm 2008, giá đã tăng lên gấp 8-9 lần, khoảng 9.000 đồng/kg rong tươi và từ 19.000- 22.000 đồng/kg rong khô. Rong sụn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản...để chế biến thực phẩm, hóa chất dùng trong y dược, mỹ phẩm...

Để giúp nhiều hộ dân nuôi trồng rong sụn trên địa bàn tỉnh ổn định và phát triển theo hướng bền vững, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận đang phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3, nghiên cứu tạo ra giống rong sụn có chất lượng để cung cấp cho những hộ dân vùng ven biển của tỉnh. Đồng thời, Trung tâm thực hiện và nhân rộng mô hình trồng rong trong lồng lưới để giúp những hộ dân nuôi trồng giữ được giống, hạn chế tình trạng phá hoại của các loài sinh vật biển, tránh thất thoát rong khi sóng va đập...