Mừng vì lúa giá cao
Đến đầu tháng 7-2008, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch hơn 500 ngàn ha trên tổng số 1,5 triệu ha lúa hè thu. Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt nhận định: “Vụ lúa hè thu ở ĐBSCL đã cơ bản vượt qua những thử thách và khả năng thắng lớn trong tầm tay”.
Anh Ba Bảnh, ở ấp Phương Qưới C, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang vừa thu hoạch xong 5 công lúa (0,5ha) hè thu vui mừng nói: “Vụ này, thu được 100 giạ (5 tấn/ha). Lúa tươi mới thu hoạch xong được thương lái mua tại ruộng 4.300 đồng/kg”. Theo anh Ba Bảnh, vì giá phân bón tăng cao nên giá thành sản xuất lúa lên đến 2.800 đồng/kg, tính ra nông dân còn lời khoảng 1.500 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được 35.000/75.000 ha lúa hè thu, năng suất bình quân đạt 5,5 tấn/ha, cao hơn năm ngoái 0,5 tấn/ha. Giá lúa cao là một trong những nguyên nhân hứng khởi đầu tư và chăm sóc lúa rất tốt nên năng suất đạt cao nhất từ trước tới nay”. Giá phân bón, công cắt có tăng, tuy nhiên, nhờ áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến như: “3 giảm, 3 tăng”, IPM, sạ hàng… nên nhiều nông dân đã giảm được giá thành sản xuất.
Trong khi đó tại Tam Bình (Vĩnh Long), anh Năm Hết vừa thu hoạch xong 1 ha lúa hè thu, đạt trên 5 tấn. Thương lái ở đây mua lúa theo giạ, 1 giạ lúa khô (khoảng 20kg) bán được 115.000 đồng, tính ra trên 5.000 đồng/kg. Hầu hết nông dân vừa thu hoạch xong đều được ghe thương lái đến tận nhà thu mua. Trong bối cảnh lúa được giá nông dân ĐBSCL đang tận dụng cơ hội. Nhiều nông dân sau khi thu hoạch lúa hè thu đã cày, xới đất chuẩn bị làm lúa vụ 3 (lúa thu đông).
Gánh nặng chi phí “đè” đời sống
Ông Huỳnh Thiện Duyên, ấp Hòa A, xã Cần Đăng, Tri Tôn, An Giang cho biết: “Vụ hè thu năm nay nông dân phải sản xuất trong điều kiện vật tư nông nghiệp, giá thuê dịch vụ làm đất… tăng chóng mặt; riêng giá phân bón tăng 15.000 đồng/kg. Với mặt bằng giá các mặt hàng phục cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày cao như hiện nay thì nông dân làm lúa với diện tích nhỏ khó có lãi. Gia đình tôi, canh tác 4 ha lúa, năng suất bình quân 6 tấn/ha, trừ chi phí còn lãi chỉ 10 triệu đồng/ha”.
Vụ đông xuân vừa qua, gia đình anh Danh Vững ở xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu canh tác 8 công đất lúa, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 20 triệu đồng. Vụ hè thu này gia đình mướn thêm 5 công đất nữa để trồng lúa nhưng trước tình hình hiện nay, anh Vững lo lắng: “nếu gặp thời tiết bất lợi, sâu bệnh đột suất, năng suất còn 20 giạ/công thì cầm chắc lỗ nặng vì chi phí sản xuất đã tăng hơn vụ trước 50%”.
Anh hùng lao động Dương Văn Hữu ở xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, người có cả cuộc đời gắn bó với cây lúa. Khi đề cập đến hiệu quả của người trồng lúa hiện nay thì ông Hữu trầm ngâm: “Nói là giá lúa có cao nhưng mà không có lời, nông dân thất chứ không thắng. Nhân công, vật tư đều cao. Vụ lúa hè thu, nông dân phải bỏ ra 13-15 triệu đồng/ha. Nếu gặp thời tiết bất ổn, dịch bệnh bùng phát thì chi phí cho phân thuốc, nhân công còn phải tăng thêm rất nhiều”.
Thạc sĩ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, phân tích: “Nông dân làm giỏi thì lợi nhuận từ 15-18 triệu đồng, còn yếu thì chỉ có 10-12 triệu đồng/ha. Như vậy, một công đất có lãi từ 1 đến 1,2 triệu đồng/3 tháng, trong khi đó giá cả mọi thứ đều tăng nên cuộc sống người nông dân vẫn khó khăn”.
Và một điều mà người nông dân đang hứng chịu là trước áp lực vốn và tăng lãi suất tiền vay. Những người có nhiều đất sản xuất thì còn tích lũy vốn tái đầu tư. Người ít đất sản xuất, thiếu vốn phải chạy vay ngân hàng lãi cao, hoặc vay nóng bên ngoài, ký nợ đại lý phân bón thuốc trừ sâu, cuối vụ thanh toán phải chịu lãi 3%-5%/tháng… Thậm chí nhiều trường hợp gặp khó khăn đột xuất đành phải bán lúa non với giá thấp…