Cùng đoàn công tác của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Nam, chúng tôi về huyện Duy Tiên là nơi cấy muộn hơn các huyện, thị xã khác trong tỉnh.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phạm Văn Xuân dẫn đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn bà con cách gieo cấy đúng kỹ thuật tại các xã Châu Giang, Mộc Bắc, Mộc Nam.
Anh giải thích, Duy Tiên cấy muộn vì tập quán canh tác vùng này cấy mạ dược là chủ yếu. Vừa qua, rét đậm rét hại kéo dài làm mạ chết nhiều phải gieo bổ sung nhiều đợt, phải chờ mạ lớn nên có chậm hơn nơi khác.
Nhưng theo đánh giá của đoàn công tác, Duy Tiên có đồng đất tốt, kỹ thuật canh tác của bà con nông dân khá cao và luôn là huyện dẫn đầu về năng suất lúa của tỉnh, bình quân 63 tạ/ha. Diện tích cấy lúa đông xuân toàn huyện là 5.900 ha. Ðến ngày 3-3, đã gieo 550 ha mạ, trong đó 61% được che phủ ni- lông, diện tích mạ chết 312 ha, đã gieo bổ sung 315 ha. Diện tích đất bảo đảm cho gieo cấy đạt 84%, nước phục vụ làm đất cơ bản đủ.
Cả huyện đã gieo, cấy hơn 800 ha, những vùng đất cao, không gieo thẳng được chuyển sang trồng cây màu khoảng 300 ha, nâng diện tích trồng cây màu lên 635,5 ha.
Ngày 5-3 đúng là ngày "hội xuống đồng"! Ðông đảo bà con nông dân xã Châu Giang ra đồng cấy lúa đông xuân cho kịp thời vụ. Trên các ngả đường ra đồng dập dìu xe máy, xe đạp, quang gánh, và cả chậu nữa để nâng niu, bảo vệ những cây mạ non.
Anh Túy đang chuyển mạ cho vợ cấy ở cánh đồng thôn Ðầm, nói với chúng tôi: Ðợt rét kéo dài hơn một tháng làm chết nhiều mạ, nhà tôi phải gieo bù, năm bảy đợt, đến nay đã đủ. Theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, cấy bằng mạ trên nền cứng tôi phải đắp bờ bao để giữ nước vì mặt ruộng không phẳng. Những cây mạ trông lũn cũn thế mà cấy hôm trước, hôm sau trông nhớn hẳn.
- Hộ không còn thóc giống để gieo mạ thì làm thế nào hả anh? Tôi hỏi.
Anh Túy nói luôn: Những hộ nào gieo nhiều họ sẽ giúp. Mỗi hộ cho một ít mạ thì cũng đủ cấy. Tuy nhiên số này không nhiều, nhà nào cũng có giống, mạ dự phòng.
Tại một cánh đồng của xã Mộc Bắc chúng tôi cảm nhận không khí khẩn trương lao động sản xuất, chạy đua với thời gian. Ruộng thấp hơn nên anh chồng phải làm đất và tháo bớt nước trong khi chị vợ và con gái cấy "cuốn chiếu". Mọi vụ cấy mạ dược thì thuận lợi, nay cấy mạ trên nền cứng lại phải thêm công, thêm của.
Chị Nguyễn Thị Vang, Trưởng phòng Trồng trọt- Lâm nghiệp của Sở nhận xét, cấy và giữ nước cho lúa như nhà anh Túy là đúng kỹ thuật. Một số hộ cấy khóm nhiều rảnh vừa tốn mạ, về sau lúa nhiều lá, ít hạt, hiệu quả không cao. Một số ruộng thì nhiều nước, ruộng thì ít nước quá cũng không được, sẽ ảnh hưởng đến cây lúa. UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Sở phối hợp báo, đài trong tỉnh kịp thời hướng dẫn nông dân các biện pháp khắc phục khó khăn do thời tiết; gieo mạ bổ sung, chăm sóc, luyện mạ khi thời tiết ấm dần; gieo thẳng đúng kỹ thuật, rút ngắn thời gian sinh trưởng... đặc biệt không để ruộng không do thiếu mạ.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết tình trạng mạ chết ở địa bàn Hà Nam không trầm trọng như địa phương khác vì trước đó, theo chỉ đạo của các cấp, các ngành, cán bộ khuyến nông cùng bà con nông dân áp dụng nhiều biện pháp tiên tiến và cổ truyền để chống rét cho mạ. Chuẩn bị tốt nguồn giống bảo đảm đủ, khi xảy ra mạ chết là gieo bổ sung ngay. Công tác thủy lợi bảo đảm đủ nước cho gieo cấy, có nơi phải tiêu bớt nước mới đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Trong những ngày gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng cùng cán bộ chuyên môn của Sở thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các cấp ở các huyện, xã, đến ruộng động viên, hướng dẫn nông dân biện pháp gieo cấy, bảo vệ, chăm sóc lúa, bảo đảm thủy lợi cho gieo cấy lúa đông xuân kịp thời vụ.
Ông cho biết: Diện tích gieo cấy lúa đông xuân của Hà Nam là 33.942 ha, đến ngày 5-3 đã cấy hơn 9.000 ha. Thời vụ vụ đông xuân còn rất ngắn, để đẩy nhanh tiến độ, Sở chỉ đạo các huyện, thị xã tập trung lực lượng cho gieo cấy lúa đông xuân sau khi mạ dược dỡ ni-lông từ 3 đến 5 ngày để cấy thật nhanh hết diện tích trong khung thời vụ cho phép trước ngày 10-3 (theo tinh thần chỉ đạo của Bộ), trên thực tế, do khách quan, ở Hà Nam phải đến ngày 15-3 mới cơ bản hoàn thành, bố trí cấy từ chân cao và giữ nước, ưu tiên vùng sâu, trũng. Cấy tiết kiệm bằng cách nhỏ rảnh/khóm nhưng phải bảo đảm mật độ. Bảo vệ và giữ ẩm cho toàn bộ diện tích mạ đã gieo. Khi mạ nền cứng đạt 2,5 đến 3 lá, mạ gieo dược đạt 3 đến 3,5 lá trở lên là phải xúc mạ đi cấy. Tuyệt đối không bón phân đạm cho mạ, tránh tình trạng chờ mạ dài mới nhổ đi cấy sẽ chậm thời vụ, ảnh hưởng thời kỳ lúa trỗ gặp nắng nóng mất năng suất.
Các công ty khai thác công trình thủy lợi cử cán bộ phụ trách địa bàn điều tiết nước kịp thời, phù hợp mạ ngắn vừa bảo đảm nước cho lúa mới cấy, lúa gieo thẳng và chăm sóc, bón thúc sớm cho lúa đông xuân. Tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón của các công ty có uy tín, tránh mua phải hàng kém chất lượng. Bón phân cho lúa theo hướng "nặng đầu, nhẹ cuối", bón lót toàn bộ phân chuồng + phân NPK kết hợp bừa kép lần cuối.
Sau cấy 7 đến 10 ngày khi lúa hồi xanh ra rễ mới bón 80% lượng đạm + 50% lượng ka- li kết hợp sục bùn vùi phân để lúa đẻ nhánh tập trung. Ðồng thời, hoàn thành kế hoạch gieo trồng, chăm sóc cây màu vụ xuân, chân đất chuyển đổi, các loại rau quả hàng hóa, thực hiện ký kết tiêu thụ nông sản theo hợp đồng...
Ðến với nông dân Hà Nam, chúng tôi cảm nhận được không khí khẩn trương và chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ mạ, gieo cấy và chăm sóc lúa đông xuân. Vui mừng thấy người dân đoàn kết hơn, giúp nhau từng khóm mạ, các cấp, các ngành thể hiện được vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, cùng nhân dân vượt qua khó khăn. Theo kinh nghiệm của các lão nông mà chúng tôi gặp, năm nay năng suất sẽ cao hơn mọi năm vì cây mạ đã trải qua nhiều "giá", nếu gặp thời tiết thuận lợi cây lúa sẽ sinh trưởng nhanh, tốt, không phụ công người, cho mùa bội thu.