Mùa vải ảm đạm
Những năm trước, vào vụ vải, cánh thương lái chạy ô tô, xe máy suốt ngày đêm săn hàng. Để “xí chỗ”, không ít người tìm đến vườn trước hàng tháng để “mua hoa”, không đợi đến lúc vải chín. Khi đó, vải được người dân chăm sóc cẩn thận: tỉa cành, bắt sâu, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, chống rụng quả. Mùa thu hoạch, giá có lúc lên đến 20.000 đồng/kg. Thương lái tranh nhau mua tại vườn, bao nhiêu cũng hết.
Năm nay, giá vải thiều chính vụ “rẻ như bèo”. Tại các vườn vải của hai huyện Thanh Hà và Ninh Giang, giá bán chỉ 2.000 đồng/kg. Xã Vĩnh Hòa có diện tích vải nhiều nhất huyện Ninh Giang. Trước kia, khi vải còn là “cây vàng”, không ít gia đình giàu lên nhờ chúng. Người dân ra sức mở rộng diện tích, các vùng đất trồng lúa kém hiệu quả lần lượt phủ màu xanh bạt ngàn của vải. Giờ đây, về Vĩnh Hòa, vải đã chín rộ nhưng không khí rất buồn tẻ. Vải thiều được mùa nhưng giá thấp Sở Nông nghiệp &PTNT Hải Dương dự kiến, sản lượng vải thiều của tỉnh năm nay sẽ đạt khoảng 60.000 tấn. Toàn tỉnh hiện có gần 14.000ha vải, trong đó, huyện Thanh Hà có gần 6.700ha, huyện Chí Linh khoảng 6.500ha. Theo các hộ trồng vải, vào đầu vụ, giá vải còn ở mức 10.000-12.000 đồng/kg, hiện chỉ còn 1.500 -2.000 đồng/kg.
Chúng tôi vào nhà ông Hà Văn Nhâm ở thôn Ngọc Hòa. Ông Nhâm có 5 gốc vải to, cây nào cũng sai trĩu quả. Thấy tôi thắc mắc tại sao vải đã chín mà chưa thu hoạch, ông phân trần: “Giá vải rẻ quá nên không muốn bán. Nếu thuê người hái, phải chi 80.000 đồng/ngày công, tính ra mỗi kilôgam vải chỉ thu được 1.000 đồng”.
Thời gian thu hoạch vải thiều ngắn (15-20 ngày), khâu tiêu thụ và chế biến sản phẩm chưa phát triển, giá cả thấp là những nguyên nhân khiến các hộ trồng vải gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Lự là người trồng nhiều vải nhất ở Vĩnh Hòa. Lúc giá cao, có năm bà thu hơn 20 triệu đồng từ 12 gốc vải. Từ ngày vải xuống giá, bà không đầu tư chăm sóc nên cây cằn cỗi dần. Năm nay, dù được mùa, sản lượng cao nhưng bà cũng không vui. “Trước kia, chỉ cần ở nhà chờ thương lái đến mua. Bây giờ giá rẻ, có mang ra tận cửa hàng, họ cũng chê này, chê nọ” – bà than thở.
Nhiều gia đình ở Vĩnh Hòa đã chặt vải để trồng cây khác. Ông Hà Văn Tích vừa dọn nốt đống cành vải vừa phân tích: “Trồng na, ổi còn cho thu hoạch cao hơn vải. Nếu vải cứ rớt giá thế này, có khi tôi chặt hết”.
Tại các vườn vải của huyện Thanh Hà, không khí mua bán cũng rất ảm đạm. Chị Hoàng Thị Hai ở xã Thanh Xuân năm nay thu hoạch khoảng 1 tấn vải. Chị mang đến các cửa hàng thu mua nhưng chỉ bán được khoảng 500kg. Số còn lại, chị mang ra Quốc lộ 5 bán lẻ cho người đi đường. “ở nhà bán 2.000đồng/kg, mang ra đường bán cao hơn 500 đồng nhưng phải đứng nắng, hứng bụi. Trót trồng rồi, bây giờ chẳng lẽ lại chặt bỏ?”, chị Hai băn khoăn.
Khan hiếm nhân công thu hoạch Vải chất đống mà chẳng có ai mua.
Do thời điểm vải chín trùng với thời gian thu hoạch lúa hè - thu nên tình trạng khan hiếm nhân công thu hoạch xảy ra là điều dễ hiểu. Hầu hết nông dân đều tập trung thu hoạch lúa. ở những vườn vải lớn, chủ vườn phải thuê nhân công với giá 70.000 – 80.000 đồng/người/ngày mà vẫn không đủ người. Ông Trần Quang Tú ở xã Thanh Thủy (Thanh Hà) cho biết: “Tôi có 1 mẫu vải, ước tính sản lượng chừng 3 tấn. Cả gia đình chỉ có 4 người, hai con đi làm xa, còn hai vợ chồng bận thu hoạch lúa nên phải thuê nhân công. Tìm mấy ngày nhưng chỉ thuê được 2 người”. Cũng theo ông Tú, sở dĩ nhân công thu hoạch trở nên khan hiếm bởi thanh niên nông thôn đi làm ăn xa, ở nhà chỉ còn lại phụ nữ, người già, trẻ nhỏ, những người khó có khả năng leo trèo.
Tính từ đầu vụ vải tới nay, anh Nguyễn Xuân Ba - người hái vải thuê ở Thanh Hà đã bỏ túi được hơn 1 triệu đồng. Mỗi khi có người đến đề nghị, Ba đưa ra giá 75.000 đồng/ngày, nuôi cơm trưa. Nếu trả thấp hơn, Ba kiên quyết không làm bởi “hái vải phải leo trèo, lao động nặng nhọc, nguy hiểm. Nếu trả thấp thà gặt lúa thuê còn hơn”.
Vải thiều không chỉ là cây trồng chủ lực mà còn là đặc sản của Hải Dương. Nhắc đến địa danh này, người ta nghĩ ngay đến những trái vải căng tròn, mọng nước. Chính vì vậy, việc quy hoạch lại vùng trồng, hỗ trợ bà con trong chế biến, tiêu thụ là việc cần làm ngay, nhằm sớm ổn định thị trường, giúp nông dân trụ vững với cây vải. Về phía người dân, bà con cần bình tĩnh và phải tuân theo quy hoạch; không trồng -chặt theo phong trào. Đó mới là giải pháp để không có mùa vải ảm đạm.